Để chủ động PCCCR, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm về công tác PCCCR trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận tình hình PCCCR, ứng phó với khô hạn tại ĐBSCL, miền Trung và vùng núi phía Bắc.
Hàng chục ha keo tràm của các hộ dân tại thôn Trung Trinh (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) bị lửa thiêu rụi. Ảnh: NGỌC OAI |
ĐBSCL: Sẵn sàng thích ứng với hạn, mặn
Ngày 24-5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, đã triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và nguy cơ cháy rừng năm 2023. Tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, Ban Giám đốc đã và đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp để chủ động trong công tác PCCCR. Phối hợp thực hiện nhiệm vụ PCCCR giữa các lực lượng và các đơn vị, địa phương trên địa bàn nhằm tăng cường dự báo và nắm tình hình. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống trong khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó trước mọi tình huống để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Tại Kiên Giang, ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, từ ngày 19 đến 24-5, tỉnh đã cho diễn tập vận hành đóng toàn bộ cống ngăn mặn trên địa bàn, trong đó có 2 cống Cái Bé và Cái Lớn. Đồng thời, tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống ao hồ, kênh rạch điều tiết nước ngọt cho các vùng trồng lúa, hoa màu, cân bằng độ mặn cho vùng nuôi tôm… Ngoài vận hành hệ thống cống, đập trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang còn phối hợp với tỉnh An Giang điều tiết vận hành hệ thống cống Tha La-Trà Sư để lấy nước ngọt cho vùng lúa ở các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Lương.
Đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện được đắp tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để chống mặn, phục vụ cho 2.000ha lúa của địa phương. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước từ sông Mê Công về đồng bằng có chuyển biến bất lợi do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng, mưa đến muộn. El Nino bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7-2023 (82% cơ hội, tăng gần 10% so với cách đây 2 tuần); giai đoạn tiếp theo, El Nino trở nên thống trị trong toàn bộ giai đoạn dự báo với xác suất 89-91%. ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng, cách thích ứng tốt nhất trước mắt là chủ động né hạn, mặn bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ theo kinh nghiệm của các tỉnh ven biển hồi mùa khô 2016. Cộng đồng ven biển cần chủ động tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô 2024. Đồng thời, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho vùng ven biển phải được đầu tư thích đáng, đặc biệt cho tình huống El Nino cực đoan.
Miền Trung: Chật vật tìm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp
Nắng nóng kéo dài suốt hơn 1 tháng qua khiến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra ở hầu hết các địa phương ở miền Trung. Bên cạnh đó, thời điểm này người dân các vùng miền núi đang phát thực bì để tiến hành cho vụ trồng rừng mới khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước tình hình trên, các cấp ngành, địa phương đã triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó.
Ghi nhận của PV Báo SGGP, dọc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên những ngày qua, nắng nóng đang diễn ra gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, canh tác của người dân các địa phương. Giữa cánh đồng khô khốc ở thôn Trung Trinh (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên), ông Tô Văn Kiệt chật vật bơm nước ngầm tưới đám cỏ voi, than thở: “Mỗi ngày, khoảng 9 giờ đến 15 giờ trời nắng gay gắt như lửa đốt, không ai dám ra đồng”.
Tại Quảng Nam, từ cuối tháng 4 đến nay, nước mặn xâm nhập vào các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện ở huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn với nồng độ cao, vượt ngưỡng cho phép từ 20-30 lần nên nhiều trạm bơm buộc phải dừng hoạt động. Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn tổ chức đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện và sông Bàn Thạch. Trong khi đó, người dân vùng núi của tỉnh Quảng Nam đang phát hoang, dọn cỏ và đốt thực bì để trồng rừng, gây nguy cơ cháy rừng cao. Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết, để ứng phó với nguy cơ cháy rừng, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyên truyền đến từng thôn, bản cho người dân cẩn thận trong việc cải tạo nương rẫy.
Tại Quảng Ngãi, ông Võ Văn Trình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ, lo lắng: “Địa bàn có 18.000ha rừng nguy cơ cháy rất cao, trong khi lực lượng hiện tại chỉ có 6 người”. Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, thông tin, hiện nguy cơ cháy rừng cao nhất Bình Định nhằm vào đối tượng 100.000ha rừng trồng. Đối với diện tích này, ngành kiểm lâm tỉnh đưa ra các giải pháp như tu sửa lại các đường ranh cản lửa, gia cố các chòi canh lửa, bổ sung công cụ, thiết bị, nhân lực cho các vùng trọng điểm....
Nguy cơ cháy rừng ở miền núi phía Bắc
Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn thôn Cốc Coọng, xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã xảy ra một đám cháy rừng vào khoảng 20 giờ ngày 22-5. Lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 người chữa cháy, đến 2 giờ 30 ngày 23-5 thì khống chế được đám cháy.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cảnh báo, thung lũng Điện Biên (gồm các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và TP Điện Biên Phủ) và các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà đang được cảnh báo cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm từ nay đến ngày 27-5. Riêng ngày 28-5, các khu vực này có mức độ cảnh báo cực kỳ nguy hiểm.
Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) thông tin, qua theo dõi vệ tinh và không ảnh, trên phạm vi cả nước đã phát hiện 61 điểm có dấu hiệu cháy rừng (tính đến 17 giờ 30 ngày 23-5), tập trung chủ yếu tại 3 khu vực: Tây Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên. Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã ký công điện của Bộ NN-PTNT, đề nghị người dân thông tin ngay tới Cục Kiểm lâm theo số điện thoại: 0986.668.333 khi xảy ra cháy rừng.