Thảo luận sáng nay 20-11, về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, tất cả các ĐB đều nhấn mạnh sự cần thiết về cơ chế riêng để TPHCM phát triển tốt hơn.
Thời điểm chín muồi để TPHCM có cơ chế, chính sách đặc thù
Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM thể hiện sự quan tâm, tin tưởng kỳ vọng của người dân với sự phát triển của TPHCM.
Đây là thời điểm chín muồi để ban hành cơ chế, bởi TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đóng góp ngân sách cao nhất… nhưng 30 năm cơ chế cho sự phát triển của TPHCM giống như các địa phương khác, không còn phù hợp, kìm hãm và không tạo điều kiện, phát huy các lợi thế cho TPHCM.
Chính sách đặc thù cho TPHCM là mang tính khách quan, công bằng. “Chúng ta đang bàn cơ chế đặc thù cho đặc khu kinh tế thì cơ chế cho TPHCM là đặc thù của đặc thù để TPHCM đóng góp cho sự phát triển của cả nước và vì cả nước”, ĐB Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nói.
Các ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Mai Hồng Hải (Hải Phòng)… đều đồng tình với sự cần thiết của cơ chế mới cho TPHCM.
ĐB Trương Minh Hoàng phân tích, qua 30 năm đổi mới, TPHCM đã khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, khi chưa có sân bay Cần Thơ, TPHCM là nơi duy nhất đảm nhận kết nối hơn 30% giao thương của các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực ĐBSCL; cùng với đó, nhiều nguồn lực được khơi dậy…
Việc tạo cơ chế sẽ giúp TPHCM giải quyết áp lực hạ tầng, nâng cao đóng góp, đẩy lùi tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng lao động, lan tỏa cho các địa phương, phát huy động lực cho khu vực tập trung doanh nghiệp lớn nhất cả nước ở đây…
Tuy nhiên, dù có đóng góp đến 21% GDP của cả nước, 28% thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết, giữ lại của địa phương chỉ chiếm 18%, trong khi nhu cầu chi, đầu tư… để tiếp tục đầu tàu kinh tế là quá khó. TPHCM sẻ chia với cả nước “nhưng chưa công bằng lắm với người dân TP vì đáng ra họ được hưởng nhiều hơn vì những đóng góp của mình”.
“Nơi từng xem là Hòn ngọc Viễn Đông hiện vẫn oằn mình trong khói bụi kẹt xe. Do đó, để tạo xung lực, nguồn năng lượng mới cho sự phát triển của TPHCM thì chính sách đặc thù cho TP là cấp bách trong bối cảnh hiện nay”, ĐB Nhân nhấn mạnh.
Thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết để TPHCM phát triển, theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), TPHCM có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10,7% - cao gấp 1,6 lần bình quân cả nước, đóng góp cho ngân sách chiếm 28% nghĩa là 1 người dân đóng góp bằng 3 người dân cả nước…
Tuy nhiên, 15-20 năm tới, TPHCM có tiếp tục là đầu tàu kinh tế, đóng góp ngân sách như thời gian qua hay không là câu hỏi lớn khi mà TP đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng…
Trong đó, theo tính toán, nếu không có chính sách riêng để phát triển thì tốc độ tăng GDP sẽ giảm sút. Nếu như giai đoạn 2006-2010 TPHCM tăng trưởng GDP 14%; năm 2011-2015 là 9,7% thì năm 2016-2020 chỉ tăng 7,55%, năm 2021-2025 chỉ tăng 6,72%...
Một công chức tại TPHCM phục vụ gấp 1,5 lần cả nước, tương đương 267 dân, do đó, việc tăng thu nhập để duy trì năng suất lao động cao tại đây là phù hợp thực tế và ngân sách TP có thể đảm đương được. Việc có cơ chế đặc thù là phù hợp với Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 để kinh tế TP thoát khỏi xu thế suy giảm.
Có nên khống chế mức thu nhập tăng thêm?
Theo dự thảo Nghị quyết, HĐND TPHCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý cao nhất không quá 1,8 lần so với mức cơ bản.
Một số ĐB đồng tình với dự thảo tránh sự chênh lệch quá lớn, so bì giữa các TP lớn khác. Tuy nhiên, nhiều ĐB lại có quan điểm ngược lại.
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), nên trao quyền chủ động cho HĐND TPHCM quyết định thu nhập tăng thêm trên cơ sở năng suất chất lượng công việc để thu hút nhân lực chất lượng cao.
“Tôi không đồng ý tăng tối đa 1,8 lần mà nên giao cho TPHCM chủ động hơn và nếu thí điểm, đạt hiệu quả đề nghị nhân rộng ở một số nơi”, ĐB Bé nói.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) phân tích, lương và thu nhập tăng thêm là động lực phát triển, điều kiện tiên quyết chống tham nhũng vặt. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung việc trả mức thu nhập bình quân tăng thêm, bên cạnh đối tượng là công chức, viên chức cần bổ sung thêm người lao động làm tại các cơ quan nhà nước để họ cũng được hưởng lợi ích từ sự phát triển của TP mang lại.
Về chi trả thu nhập với mức trần 1,8 lần lương cơ bản, ĐB Tuấn cho rằng, không nên đề ra mức trần, cào bằng mà nên để HĐND quyết định trên cơ sở cân đối thu ngân sách và trả lương tùy khả năng đóng góp. “Không bình quân chủ nghĩa sẽ tạo động lực cán bộ làm tốt hơn”, ĐB Tuấn nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề lương, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân vân, những cán bộ, công chức làm ở cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TPHCM, làm nhiệm vụ chính trị cho TPHCM thì cần xem xét, nên cho họ được tăng thu nhập như với công chức, viên chức của TP.
Tuy nhiên, ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, công chức, viên chức cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP vẫn giữ nguyên lương, bởi lẽ, nếu tăng sẽ có sự so sánh với những cán bộ trung ương ở nơi khác, ví dụ như Long An thì như nào?
Điều chỉnh thuế, phí: Cần nhưng tính toán kỹ
Theo dự thảo Nghị quyết, với thuế tài sản, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xây dựng thí điểm thuế thuế tài sản với nhà, đất. Còn với việc tăng thuế suất, dự thảo quy định TPHCM chỉ được tăng với thuế tiêu thụ đặc biệt, môi trường và khống chế mức tăng không quá 25% so với mức thuế và thuế suất hiện hành. Các loại thuế như: thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân giữ nguyên.
Theo ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), việc minh bạch trong thuế, phí là cần thiết để tránh người dân bị ảnh hưởng, tạo tác dụng ngược khi người dân có thể không mua hàng hóa trên địa bàn mà mua tại địa phương lân cận.
Đồng ý với việc TPHCM là đơn vị soạn thảo việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, môi trường với trần tăng là 25%, việc tăng thuế tài sản do Quốc hội quyết định và chỉ thí điểm trên địa bàn TPHCM, ĐB Mai Hồng Hải, lưu ý là việc tăng thuế cần tín toán sao cho không ảnh hưởng so với địa phương khác.
ĐB Hải đề nghị, chính sách thuế, phí nên mở rộng đối tượng thu, triệt để tận dụng phí thuộc thẩm quyền của HĐND theo luật. Tuy nhiên, thí điểm chính sách thuế tài sản không nên chỉ là nhà, đất.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), cũng cho rằng, chính sách thuế sẽ tạo đột phá tạo thu ngân sách nhưng cũng cần phải có đánh giá tác động vì sẽ ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp và phải lường trước tác động. Do đó, việc điều chỉnh chính sách thuế, phí cần có sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp nhất là chúng ta đang có chính sách khởi nghiệp.
Cùng với đó là triển khai chặt chẽ, minh bạch tránh gây phản ứng không đáng có với dân, doanh nghiệp và việc tăng thuế, phí cần nghiên cứu kỹ cơ chế để có dịch vụ công tốt hơn.
Còn theo ĐB Vũ Thị Như Mai (Hà Nội), thuế tài sản có lịch sử phát triển lâu ở nhiều nước và là nguồn thu quan trọng trong tổng thu thuế như: ở Nhật Bản chiếm 10%, Thụy Điển 7%... Nhưng ở Việt Nam số thu từ đất chỉ chiếm 0,03%. Tuy nhiên, thuế tài sản dù cần thiết phải áp dụng thí điểm nhưng cũng cần phải lưu ý về sự khác nhau giữa người nộp thuế trên địa bàn TPHCM và nơi khác, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của TPHCM, đến thị trường bất động sản, chứng khoán.