Cấp bách gỡ khó thị trường bất động sản

Tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản là vấn đề hết sức cấp bách. Vì vậy, điều cần làm càng sớm càng tốt là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp.

Hôm nay 14-3, tại Hà Nội diễn ra hội nghị về tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản lớn cũng được mời tham dự hội nghị này. Trước đó, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có những cuộc họp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, từng bước vực dậy thị trường bất động sản.

Điều đó cho thấy sự “nóng ruột” của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, bởi sau rất nhiều nỗ lực, thị trường bất động sản - thị trường đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Không thể không “nóng ruột” khi trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM gần như hoàn toàn vắng bóng dự án nhà ở có giá dưới 25 triệu đồng/m². Giá nhà chung cư tầm trung cách đây 2 năm có giá khoảng 30-40 triệu đồng/m² nay đã tăng phi mã 30%-50%, có những khu vực tăng giá gần gấp đôi.

Theo tính toán của các chuyên gia, với căn hộ có giá 2-3 tỷ đồng, người có thu nhập trung bình, có tiền để dành khoảng 100 triệu đồng/năm, cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà. Còn với những người có thu nhập thấp thì có lẽ giấc mơ có nhà đã tuột hẳn khỏi tầm với.

Càng không thể không “nóng ruột” khi việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội của các địa phương vẫn chậm so với kế hoạch thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Tại những địa phương trọng điểm có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, việc đầu tư nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025. Ví dụ như Hà Nội chỉ có 1.700 căn, đáp ứng 9%; TPHCM chỉ có 4.996 căn, đáp ứng 19%.

Thậm chí một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Long An, Quảng Ngãi... Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội từng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thị trường nhưng đến nay, con số giải ngân được rất nhỏ, khoảng 650 tỷ đồng, chỉ đạt 0,54%.

Tại các cuộc họp, Bộ Xây dựng, các chuyên gia, doanh nghiệp đều chung nhận định: Vấn đề căn cốt của tình hình thị trường bất động sản hiện nay là do thiếu nguồn cung. Vấn đề là các giải pháp để đẩy mạnh nguồn cung, cụ thể là các cam kết tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp mà các bộ, ngành, địa phương đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Bằng chứng: con số 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, trong đó 70% vướng mắc liên quan đến pháp lý được thống kê từ đầu năm 2023 đến nay vẫn nguyên trạng. Phần lớn dự án bất động sản gần như... bất động!

Hầu hết kiến nghị từ phía các doanh nghiệp đưa ra tại các cuộc họp gần đây đều là những vướng mắc rất cũ, liên quan đến thủ tục, quy định còn chồng chéo. Tương tự, với nhà ở xã hội, kiến nghị từ phía doanh nghiệp vẫn là cần rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản là vấn đề hết sức cấp bách. Vì vậy, điều cần làm càng sớm càng tốt là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng... để đảm bảo những điểm mới của luật có tính khả thi cao đi vào thực tế, sớm có tác động tích cực đến thị trường.

Khi có một hành lang pháp lý đầy đủ và thống nhất, các doanh nghiệp sẽ thực hiện được vai trò của mình là tạo ra nguồn cung đáp ứng nhu cầu xã hội; các cơ quan quản lý cũng dễ dàng thực thi trách nhiệm kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp “chạy đúng đường ray”. Chỉ khi đó, thị trường bất động sản mới không còn “bất động”, mà phát triển lành mạnh, giá cả được điều tiết theo quy luật cung cầu, chứ không phải mong chờ cơ quan quản lý can thiệp theo kiểu hành chính.

Tin cùng chuyên mục