Theo phân bổ của Bộ NN-PTNT, Bà Rịa - Vũng Tàu được phép đóng mới 121 tàu cá theo NĐ 67, trong đó có 96 tàu khai thác và 25 tàu dịch vụ hậu cần. Kể từ 2015 đến nay, tỉnh mới chỉ thực hiện hơn 56% kế hoạch là cho đóng mới 68 tàu (33 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 27 tàu vỏ gỗ) và nâng cấp 1 tàu với tổng số tiền giải ngân là hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền đầu tư tuy lớn, nhưng đáng buồn là hiệu quả hoạt động của tàu NĐ 67 ở cả nhóm tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần đều rất èo uột.
Cùng ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (ngụ tại TP Vũng Tàu) ra bến đậu Sao Mai (phường 5, TP Vũng Tàu) để mục sở thị tàu vỏ thép BV96779 trị giá hơn chục tỷ đồng nằm bờ gần 18 tháng qua vì xuống cấp trầm trọng. Chủ tàu than thở: “Trong khi các tàu khác đua nhau vươn khơi đánh bắt thì tàu của tôi nằm bờ thoi thóp dù tuổi đời mới có mấy năm”. Con tàu được hạ thủy và đưa vào hoạt động năm 2016, nhưng sau vài chuyến biển thì bộc lộ nhiều hạn chế, công suất máy 608CV quá yếu, tàu di chuyển chậm và không kéo nổi lưới nên việc đánh bắt không hiệu quả. Thuyền viên chán nản, chủ tàu ngậm ngùi đưa tàu về nằm bờ cầu cứu cơ quan chức năng.
Mặc dù không xuống cấp trầm trọng như tàu của ông Hoàng, nhưng 3 tàu vỏ thép của ông Ngô Văn Linh, Ngô Văn Tịnh cùng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phải nằm bờ chờ giải cứu vì đánh bắt thua lỗ. Tình trạng khó khăn xuất hiện ở hầu hết 11 trường hợp tàu vỏ thép ở xã ven biển Bình Châu, bởi khi đóng tàu, bà con lựa chọn nghề lưới rê, nhưng đến nay nghề này không còn phù hợp, đánh bắt không hiệu quả. Thay vì để tàu nằm bờ, một số ngư dân vẫn gắng gượng vươn khơi với hy vọng trúng được mẻ cá lớn để trang trải nợ nần và cũng để giữ chân thuyền viên vốn đang rất khan hiếm.
Với nhóm tàu dịch vụ hậu cần đóng theo NĐ 67, trước đây là tàu vận chuyển dầu, nước đá, nhu yếu phẩm cho đội tàu đánh bắt, đồng thời đưa hải sản vào bờ giúp tiết kiệm chi phí khai thác; thế nhưng từ ngày 1-1-2019, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, trong đó có quy định tàu dịch vụ hậu cần đóng theo NĐ 67 sẽ không được cấp phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu. Kết quả, 9 tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần trị giá 17 - 55 tỷ đồng vô tình bị “buộc chân” chẳng thể vươn khơi để tiếp tế cho đội tàu đánh bắt.
Ngoài những khó khăn nêu trên, ngư dân cũng rất bức xúc với việc mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu, vì công tác thẩm định, bồi thường khi xảy ra sự cố còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, vừa qua PJICO Vũng Tàu ngưng bán bảo hiểm, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, bởi không có bảo hiểm thì tàu không thể ra khơi.
Do tình hình hoạt động không hiệu quả, đến nay ngư dân toàn tỉnh mới chỉ trả được hơn 1/10 số tiền cho vay để đóng tàu, còn lại 11 tàu được tái cơ cấu thời hạn trả nợ, 7 tàu phát sinh nợ xấu. Phía ngân hàng buộc phải chuẩn hồ sơ khởi kiện một số khách hàng. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chi phí đầu vào cho một chuyến ra khơi tăng, thời tiết diễn biến thất thường, nguồn lợi hải sản bị suy giảm mạnh đã khiến một số tàu nằm bờ. Thậm chí có trường hợp thuê thuyền trưởng, không có người nhà đi cùng, thuyền trưởng cấu kết thuyền viên bán hải sản trên biển cho tàu khác. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số tàu có tâm lý chây ì, cố tình không trả nợ dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bộ NN-PTNT phê duyệt chuyển đổi nghề cho các tàu khai thác không hiệu quả sang nghề phù hợp và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan hỗ trợ chủ tàu về lãi suất, bảo hiểm và tái cơ cấu nợ nhằm giúp ngư dân vượt qua khó khăn.