Giá thấp, người nuôi gặp khó
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết từ cuối tháng 4- 2018 đến nay, ngành tôm có những biến động, nổi lên là giá tôm sụt giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi, kéo theo nhiều hệ lụy.
Khái quát bức tranh ngành tôm từ đầu năm đến nay, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết giá tôm sú nguyên liệu vẫn ổn định ở mức cao (tôm loại 30 con/kg giá dao động từ 225.000 - 250.000 đồng/kg). Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL có nhiều biến động. Trong quý 1-2018, ổn định ở mức cao nhưng từ tháng 4, giá tôm giảm 10.000-30.000 đồng/kg (tùy theo cỡ tôm và tùy theo địa phương). Trung bình giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg tại ĐBSCL ở mức 85.000 đồng/kg. Sang tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm xuống mức 78.000 đồng/kg. Giá tôm chủ yếu giảm nhiều ở loại tôm từ 80- 100 con/kg.
Theo ông Như Văn Cẩn, sự sụt giảm liên tục giá tôm toàn cầu trong thời gian qua là do nhu cầu ở thị trường Mỹ còn tồn kho cao, cùng với đó là một số bất ổn chính trị tại Trung Đông. Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường kiểm soát lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở một số nước sản xuất tôm lớn đều tăng, nguồn cung dồi dào. Các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này nhằm gây sức ép giảm giá, từ đó khiến người nuôi có tâm lý bán tháo.
Dù giá tôm hiện nay đang bất lợi, nhưng theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, giá tôm thẻ chân trắng sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Các nước Ấn Độ, Thái Lan và một số nước sẽ qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn cung trong quý 3 và quý 4-2018. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, vì vậy, giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới…
Cần giải pháp ứng phó phù hợp
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề “nóng” hiện nay là giá tôm. Vì vậy, cần nắm căn cơ thị trường thời gian tới thế nào, để khuyến cáo người nuôi hợp lý.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2018, đạt trên 1 tỷ USD (tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó, tôm nước lợ đạt hơn 916 triệu USD (tôm thẻ chân trắng đạt 687 triệu USD, còn lại là tôm sú).
Là người dân trực tiếp nuôi và chịu ảnh hưởng nặng bởi giá tôm giảm, ông Long Văn Nghĩa (ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) kiến nghị: “Khó khăn hiện nay là chi phí đầu vào nuôi tôm còn cao, dẫn đến giá thành sản xuất tôm cao. Vì vậy, cần có giải pháp hạ giá đầu vào thì lợi nhuận của người nuôi tôm mới được tăng lên. Ngoài ra, hệ thống kênh thủy lợi chưa đồng bộ, điện phục vụ cho nuôi tôm chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh quy mô hộ gia đình có thể thiết kế ao nuôi giảm còn 300m², chỉ cần có 200 triệu đồng thì có thể nuôi theo mô hình này được. Tuy nhiên, người dân không đủ vốn, trong khi ngân hàng hạn chế cho vay...”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết: “Rất chia sẻ với người nuôi tôm trong giai đoạn hiện nay. Giá tôm đang rất thấp, người nuôi thua lỗ nên “treo ao” và có hộ rất lo lắng. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu đã bắt đầu mua do nhu cầu tiêu thụ của thế giới bắt đầu tăng. Cụ thể, Minh Phú đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn, nên chủ động tăng giá thu mua lên 5% từ đầu tháng 6. Dự kiến, sắp tới sẽ tăng lên 10% và đến tháng 8 có thể tăng lên tăng lên 30%”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong giai đoạn hiện nay, người dân cần phải bình tĩnh trong việc nuôi và thu hoạch vào thời điểm hợp lý. Đối với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, nên xem đây là cơ hội rà soát lại quản trị nhằm hạ giá thành; các địa phương cần quản lý chặt chẽ, hướng dẫn người dân theo dõi dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị tồn đọng.