Ô nhiễm không khí gây thiệt hại 3,3% GDP
Báo cáo Chất lượng không khí thế giới 2020 của Tổ chức IQAir AirVisual đã chỉ ra rằng ÔNKK tiếp tục là một trong những hiểm họa sức khỏe lớn nhất thế giới, khi gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm, trong đó có 600.000 trẻ em. Với thảm họa sức khỏe ngoài sức tưởng tượng này, chỉ riêng phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì ước tính ÔNKK đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 2.900 tỷ USD/năm (chiếm 3,3% GDP).
Tại Việt Nam, ÔNKK vẫn là mối đe dọa chính đối với sức khỏe con người. Tổ chức Y tế thế giới ước tính trong năm 2016, đã có khoảng 60.000 người chết vì ÔNKK. Trong khi những thành quả đạt được trong quan trắc chất lượng không khí giúp nâng cao nhận thức cho người dân ở hầu hết các thành phố vẫn thiếu dữ liệu thời gian thực. Ở các vùng nông thôn, tác động từ việc đốt rơm rạ, các hoạt động sinh khối phục vụ sưởi ấm và nấu nướng vẫn chưa được giảm bớt. Quá trình đô thị hóa thần tốc và phát triển kinh tế cũng làm gia tăng bụi mịn PM2.5. Nếu không có các biện pháp, chính sách bổ sung, đến năm 2030, nồng độ PM2.5 tại các thành phố của Việt Nam có thể tăng khoảng 20-30%.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quan trắc
Để bổ sung cho các mạng lưới quan trắc truyền thống vốn có chi phí vận hành cao và được lắp rải rác ở các nước đang phát triển, các nhà khoa học cho rằng, xu hướng hiện nay là kết hợp thêm công nghệ quan trắc sử dụng cảm biến và kỹ thuật viễn thám. Việc kết hợp phương pháp quan trắc truyền thống với tiến bộ của công nghệ mang đến cơ hội mới để hiểu và truyền đạt thông tin về chất lượng không khí. Sự tích hợp này có thể làm giảm chi phí vận hành mạng lưới và cho phép giám sát trên không gian rộng lớn hơn mà các công nghệ giám sát truyền thống khó đạt.
Do kích thước siêu nhỏ, các hạt bụi PM2.5 thâm nhập sâu vào máu khi hít phải, có khả năng gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe như hen suyễn, ung thư phổi và bệnh tim. Phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 cũng liên quan đến việc trẻ sơ sinh nhẹ cân, tăng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và đột quỵ. |
TS Andrea Clements, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA), cho biết, gia tăng khả năng tiếp cận của người dân tới dữ liệu chất lượng không khí là một bước quan trọng đầu tiên để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và giảm thiểu tác động của nó tới sức khỏe cộng đồng. Việc tiếp cận dữ liệu chất lượng không khí sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và nhu cầu hành động. US EPA cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ cảm biến, trong đó nổi bật là chương trình đánh giá hoạt động của cảm biến và tài liệu khuyến nghị về thiết bị cảm biến mà nhiều quốc gia đang tham khảo, sử dụng. Các chương trình và tài liệu này liên tục cập nhật các nội dung về cảm biến chất lượng không khí sử dụng cho các mục đích khác nhau như nhận diện nguồn ô nhiễm, bổ sung dữ liệu cho mạng lưới quan trắc truyền thống. Cảm biến thường cung cấp dữ liệu theo thời gian thực ở độ phân giải thời gian khá cao (dữ liệu mỗi phút).
Theo TS Lý Bích Thủy, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay, một số trường đại học hay viện nghiên cứu trong nước cũng tự lắp ráp các thiết bị cảm biến, hoặc sử dụng thiết bị cảm biến nhằm phục vụ cho các nghiên cứu về ÔNKK. Điển hình như ứng dụng của cảm biến trong phân tích xu hướng biến thiên nồng độ bụi mịn PM2.5 theo thời gian và không gian; ứng dụng trong giám sát chất lượng không khí gần nguồn phát thải; ứng dụng trong quan trắc tiếp xúc để đánh giá tác động đến sức khỏe. Các thiết bị cảm biến có kích thước nhỏ gọn, chi phí thấp, cách lắp đặt, vận hành và bảo trì tương đối đơn giản nên có thể được triển khai ở nhiều nơi.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh giải pháp về công nghệ, chúng ta cũng cần đồng bộ triển khai các giải pháp khác như loại bỏ điện than và các nguồn năng lượng sử dụng dầu, lò đốt chất thải; thúc đẩy năng lượng sạch, bao gồm vai trò của năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Song song đó, là áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nguồn ô nhiễm không khí, nhất là mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của Chính phủ.
Theo Tổ chức IQAir AirVisual, Covid-19 xuất hiện như một nhân tố chính, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong năm 2020. Những hành động đối phó với đại dịch được coi như những “thí nghiệm quy mô lớn nhất từ trước đến nay” về chất lượng không khí, việc giảm tạm thời mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch do ngừng hoạt động trên toàn thế giới tương quan với mức giảm đáng kể tình trạng ÔNKK so với những năm trước. Năm 2020 chứng kiến rõ rệt 65% các thành phố toàn cầu được cải thiện chất lượng không khí so với năm 2019, trong đó 84% các quốc gia đã nhìn thấy sự cải thiện tổng thể. |