Chưa bao giờ việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt được dư luận xã hội quan tâm như thời gian qua, với những cuộc hội thảo, tọa đàm, chuyên đề diễn ra liên tục trên các diễn đàn. Và nhiều người đã nhớ đến nhà ngôn ngữ học kiệt xuất Cao Xuân Hạo, người cả đời say mê tiếng Việt, đã dày công nghiên cứu và cảnh báo sự xuống cấp của tiếng Việt ngay trong hệ thống giáo dục…
Cha và con và câu chuyện tiếng Việt bên mâm cơm
Giáo sư Cao Xuân Hạo trên bục giảng
Tên tuổi và sự nghiệp của Cao Xuân Hạo đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam và được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ như người khai mở con đường mới về lý thuyết ngôn ngữ học của thế giới đương đại. Ông là hậu duệ dòng họ Cao Xuân “thế gia vọng tộc” ở làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cha của ông là Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983), nhà Đạo học lừng danh, một trong những giáo sư góp công đầu xây dựng ngành giáo dục đại học Việt Nam, tác giả của tác phẩm Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, một công trình triết học mà sau khi ông qua đời mới được các môn sinh sưu tập in từ di cảo và được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn đợt đầu tiên vào năm 1996.
Cao Xuân Hạo sinh ngày 30-7-1930 ở Huế, hai năm sau khi “ông đồ” xứ Nghệ Cao Xuân Huy rời nhà tù Lao Bảo về lại Huế kết duyên cùng Tôn Nữ Thị Cơ, một thiếu nữ hoàng tộc xinh đẹp vì tình yêu đã vượt qua bao chướng ngại lễ giáo gia phong để đến với nhà trí thức trẻ tài ba; cả lúc ông hoạt động chính trị bị địch bắt đày tận Lao Bảo, bà cũng đã băng rừng lội suối lên thăm nuôi. Cao Xuân Huy là một nhà Nho học thuộc thế hệ khoa cử cuối cùng. Tuổi thơ Cao Xuân Hạo gắn liến với bước đường luân lạc của người bố tài năng lận đận trên nhiều ngả đường đất nước, ở ba miền Trung - Nam - Bắc. Chỉ mấy tháng hè cậu bé Cao Xuân Hạo mới có dịp cùng cha mẹ về thăm quê hương, một vùng đất văn vật nằm sát bờ biển Nghệ An.
Sau khi ra khỏi tù vì quan điểm chính trị, vào Biên Hòa dạy học, đến năm 1940, cụ Cao Xuân Huy đưa gia đình quay ra Huế. Cụ cho Cao Xuân Hạo vào trường Providence để học theo chương trình của các trường Pháp (hệ A) có học một sinh ngữ là tiếng Anh và hai tử ngữ là tiếng La Tinh, Hy Lạp. “Năm năm học ở trường này, tôi không hiểu cụ bắt tôi học tiếng Hy Lạp để làm gì. Về sau tôi mới biết là cụ muốn tôi thật giỏi triết học phương Tây để sau này cộng tác với cụ trong việc xây dựng một nền triết học Việt Nam tiếp tục truyền thống Lão Trang dưới một ánh sáng mới. Nhưng năm 1945, tôi vào bộ đội. Cụ được gọi ra Hà Nội dạy đại học. Thế là kế hoạch của cụ bị dở dang”. Thầy Cao Xuân Hạo nhớ lại và còn cho biết: “Rất may là sau chiến tranh trở về Hà Nội, cụ mừng khi thấy tôi vẫn viết được một thứ Pháp văn sạch sẽ và đọc được các triết gia Hy Lạp cổ đại không đến nỗi khó khăn (dưới sự hướng dẫn của cụ), tuy Hán văn thì tôi còn quá ít chữ. Nhưng do nhu cầu công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi phải vừa học vừa dạy ngôn ngữ học, cho nên đành gác lại việc học triết. Cũng may là các tử ngữ cổ điển cũng giúp tôi rất nhiều trong việc học tiếng Nga và đọc các sách ngôn ngữ học”.
Giáo sư Cao Xuân Hạo luôn dành tình cảm tôn kính đối với cụ thân sinh Cao Xuân Huy. Lúc nhận tin vui tác phẩm triết học Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu của Giáo sư Cao Xuân Huy được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, thầy Cao Xuân Hạo thổ lộ với tôi rằng ông cụ là nhà triết học nhưng có cảm thức rất tốt về ngôn ngữ. Qua những câu chuyện tự nhiên bên mâm cơm gia đình, ông cụ cũng đã dạy cho con trai nhiều điều bổ ích.
Sự trăn trở đối với tiếng Việt
Cao Xuân Hạo có dáng vẻ bề ngoài lịch lãm, đạo mạo, phớt tỉnh và ẩn bên trong một cá tính mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, có khả năng hùng biện và một tâm hồn đầy chất nghệ sĩ. Ông đã hiện diện trong đời sống giáo dục, khoa học với tư cách học giả uyên bác, nhà sư phạm, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tên tuổi vượt ngoài biên giới quốc gia. Ông còn là người giỏi ngoại ngữ được bao quanh rất nhiều giai thoại, một dịch giả uy tín với hơn 20.000 trang sách dịch từ các tác phẩm văn học nước ngoài. Đó là chưa kể, ông từng là tác giả những ca khúc yêu nước và trữ tình được biết đến từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Nhưng hào quang của một “Copernic ngôn ngữ học”, một dịch giả thuộc hàng thượng thừa đã che mờ sự tài hoa nghệ sĩ của ông.
Một học giả uy tín là An Chi gọi Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học tài ba xuất chúng. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng thì nhận định: “Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần túy cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế”. Còn những nhà ngữ học danh tiếng của Pháp như Jean-Pierre Chambon, A.G. Haudricourt và C.Hagège cũng đánh giá rất cao chủ thuyết của ông.
Trong dịch thuật, Cao Xuân Hạo cho rằng dịch khó hay dễ không phải nằm ở chỗ nắm được ngoại ngữ hay ngoại ngữ nào, mà điều quan trọng là người dịch có nắm vững tiếng Việt hay không. Ông nói: “Với tôi, việc dịch thuật còn giúp tôi nắm vững tiếng Việt hơn. Dịch tức là tìm cách diễn đạt cho đúng ý và thần của nguyên bản bằng những phương tiện hay nhất của tiếng mình. Chính nhờ dịch nhiều mà tôi hiểu thêm ngữ pháp tiếng Việt”.
Đặc biệt, đối với dạy và học tiếng Việt trong nhà trường nước ta, sinh thời thầy Cao Xuân Hạo luôn lo lắng. Theo ông, hệ thống ngữ pháp chức năng mà nhiều thế hệ học sinh và sinh viên đã và đang được truyền thụ, gần 100% không phải là tiếng Việt, mà là ngữ pháp tiếng Pháp hay một thứ tiếng châu Âu điển hình nào đấy, rồi dùng tiếng Việt làm ví dụ. Từ đó, những người Việt trẻ tuổi bắt chước giọng Tây lai lơ lớ mà nói ngọng nói nghịu, quên dần cách diễn đạt chính xác, trau chuốt của tiếng mẹ đẻ, cho tới lúc đọc Truyện Kiều hay thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng không còn khả năng rung cảm nữa.
Giáo sư Cao Xuân Hạo đã xa chúng ta gần 10 năm, nhưng sự trăn trở của ông đối với tiếng Việt luôn là vấn đề thời sự đáng để những người có trách nhiệm suy ngẫm.
Phan Hoàng