Ngày 15-6, thông tin từ Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án) cho biết, tính từ ngày cho vận hành không thu phí (30-4), trung bình mỗi ngày có khoảng 23.000 lượt xe lưu thông trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL mới đi vào vận hành nhưng đã giải quyết được tình trạng căng thẳng do ùn tắc diễn ra trong nhiều năm, đẩy nhanh sự liên thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, khi dự án đưa vào vận hành đã xuất hiện một số việc liên quan đến an toàn giao thông...
Dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp, mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km). Bên trái tuyến 5 điểm dừng và bên phải tuyến 6 điểm dừng và chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe tải, xe container; dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh.
Ông Châu Văn Trường, một tài xế xe container ở TP Tân An (Long An) cho biết, nếu dừng trên làn khẩn cấp cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, xe của ông phải “ló” ra làn lưu thông chính gần 1/3 thân xe, rất nguy hiểm.
Thậm chí với loại xe ô tô 4 chỗ, nếu tài xế đỗ xe nằm trọn trong làn dừng khẩn cấp, các cửa bên phải không thể mở vì vướng thanh chắn lề đường. Vì vậy, các tài xế phải đậu lấn ra bên ngoài để có thể mở cửa xe, gây mất an toàn giao thông.
Cùng với việc chuẩn bị đưa dự án vào vận hành chính thức, Doanh nghiệp dự án đang đề xuất lên cơ quan chức năng cấp thiết bổ sung ngay các điểm dừng đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc để kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu, xử lý sự cố phương tiện hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.