Cụ thể, từ ngày 18-1-2022 sẽ thông xe kỹ thuật 1 chiều theo hướng Trung Lương đi Mỹ Thuận, dự kiến thời gian thông xe là 15 ngày; sau đó sẽ tổ chức thông xe 1 chiều theo hướng ngược lại, để phục vụ giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Hiện tại trên công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm hoàn thành những km đường cao tốc cuối cùng. Công đoạn thảm nhựa, hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng… đang được các nhà thầu gấp rút thi công cho kịp tiến độ thông xe như dự kiến.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ chính thức hoàn thành vào tháng 3-2022. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang gặp vướng mắc do đề án thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương chưa được phê duyệt.
Ông Nguyễn Tấn Đông cho biết thêm, đơn vị đã kiến nghị Bộ GTVT có phương án xử lý dứt điểm vấn đề này nhằm không làm ảnh hưởng đến việc đưa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào vận hành, khai thác, phát huy hiệu quả...
Theo đó, nhà đầu tư đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng và thay mới thiết bị thu phí của các trạm thu phí của tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương nhằm thực hiện chức năng kiểm soát đầu vào (hướng TPHCM đi Mỹ Thuận) và đầu ra (hướng Mỹ Thuận đi TPHCM), theo nguyên tắc chỉ thu phí các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa, đến điểm cuối là nút giao An Thái Trung và ngược lại); không thu phí các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương (từ trạm Chợ Đệm đến điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là nút giao Thân Cửu Nghĩa và ngược lại). Với phương án này không cần giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 7 tháng.
Phương án 2, xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến chính tại Km51+940. Với phương án này cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, thời gian thi công kéo dài khoảng 13 tháng, dẫn đến việc chậm đưa vào thu phí hoàn vốn khoảng 6 tháng, phát sinh phí lãi vay so với phương án 1 khoảng 396 tỷ đồng…