Một tuần qua, trên cao tốc TPHCM – Trung Lương liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên hoàn vào các ngày 8, 10, 13 và 14-11… khiến nhiều người thương vong, hàng chục phương tiện hư hỏng nghiêm trọng.
Thậm chí, sau khi va chạm, tài xế xe đã ngang nhiên dừng xe trên cao tốc để chặn đầu xe mình vừa va chạm và “cầm kiếm” nói chuyện. Vụ việc đã được Đội tuần tra CSGT đường bộ cao tốc số 7 mời cả hai tài xế đến cơ quan làm việc. Đồng thời, đã lập biên bản một tài xế về hành vi dừng xe sai quy định mà không báo hiệu cho các phương tiện khác trên đường cao tốc…
Ngày 8-11, xe đầu kéo lưu thông hướng Tiền Giang đi TPHCM, đến địa phận huyện Bến Lức (Long An) thì va chạm với xe tải dọn vệ sinh và xe đang quét rác trên đường khiến xe quét rác bị húc văng về trước, lật ngang trên dải phân cách khiến một người bị thương…
Theo ghi nhận của phóng viên, vào buổi chiều, lượng phương tiện di chuyển trên cao tốc TPHCM – Trung Lương rất đông với tốc độ cao và không giữ khoảng cách an toàn, nhiều tài xế chỉ vừa nhá đèn xi-nhanh là chuyển làn và vượt ngay. Đặc biệt, rất nhiều phương tiện “đua” vào làn đường khẩn cấp để vượt lên trước.
Tài xế Nguyễn Văn Tạo (Tiền Giang) cho biết: mỗi ngày, anh chở hàng từ Tiền Giang đi TPHCM trên tuyến cao tốc này. Lượng phương tiện di chuyển hướng về TPHCM rất đông vào các buổi chiều tối. Các tài xế xe khách, xe tải nối đuôi nhau, nhiều phương tiện “tranh thủ” chạy với tốc độ khá cao, lấn vào làn đường khẩn cấp, thậm chí xe container cũng đi vào làn này để vượt lên trước, vì vậy, tai nạn thường xuyên xảy ra.
“Mỗi khi xe gặp sự cố trên cao tốc, các tài xế rất sợ mặc dù đỗ trên làn khẩn cấp và xi-nhanh đèn ưu tiên nhưng vì các phương tiện vượt nhanh quá không tránh kịp, ngoài ra nhiều phương tiện di chuyển quá nhanh, khoảng cách rất gần nên dễ va chạm. Liên tiếp hàng loạt vụ tai nạn xảy ra trên tuyến này khiến tài xế chúng tôi rất bất an. Mong ngành chức năng sớm có giải pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên tuyến này”, anh Tạo nói.
Không chỉ lấn làn, vượt ẩu, không giữ khoảng cách an toàn mà nhiều phương tiện sau khi dừng nghỉ từ trạm dừng chân đã di chuyển ra cao tốc để tiếp tục hành trình cũng đi vào làn khẩn cấp; dừng trên làn khẩn cấp gần lối rẽ vào trạm dừng chân… khiến tai nạn dễ xảy ra nếu thiếu quan sát.
Ghi nhận tại lối vào cao tốc 2 đầu TPHCM và Trung Lương ít khi có lực lượng chức năng, vì vậy, thỉnh thoảng có phương tiện xe máy đi vào và không thể quay lại nên di chuyển luôn trên cao tốc…
Theo Cục Quản lý đường bộ 4, đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Trung Lương, khu vực xảy ra tai nạn là đường thẳng, mặt đường êm thuận, hệ thống bảo đảm an toàn đầy đủ. Tuyến đường TPHCM - Trung Lương dài gần 62km, 4 làn xe, khai thác từ năm 2010, là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối TPHCM với tỉnh Long An, Tiền Giang; vận tốc tối đa 100 km/giờ.
Đầu năm 2019, cao tốc dừng thu phí, lượng xe sau đó tăng trên 30%, có 40.000-50.000 lượt xe di chuyển mỗi ngày đêm, khiến mặt đường quá tải, hư hỏng. Hơn 200 vụ tai nạn xảy ra kể từ khi cao tốc dừng thu phí.