Sáng 29-12, hai ngày trước khi thông xe kỹ thuật, PV Báo SGGP đã có mặt tại công trường dự án tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ điểm đầu TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đến xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), để ghi nhận thực tế nơi đây.
Dọc công trường tuyến cao tốc đi qua TP Phan Thiết, nhiều công nhân hối hả điều khiển máy móc vận chuyển đất đá, lu nền đường, thảm nhựa nóng. Công trường không còn ngổn ngang so với cách đây một tháng, trước khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đi thị sát công trình. Hiện xe công vụ, xe chở vật liệu có thể bon bon trên đường thay vì phải chạy dọc theo đường dân sinh.
Rời Phan Thiết, chúng tôi đến huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), nơi có 29km đường cao tốc đi qua với gói thầu lớn nhất trị giá hơn 2.170 tỷ đồng, khởi công từ ngày 15-10-2020 nay vẫn đang ngổn ngang. Nhà thầu huy động thêm nhân công, xe cẩu, xe lu, máy xúc làm việc ngày đêm nhưng chỉ có khoảng 10km thảm nhựa. Các hạng mục đắp nền đường, lát đá dăm, đổ bê tông nhựa nóng còn dang dở, dải phân cách nơi có, chỗ không và hành lang ven đường chưa có hàng rào che chắn.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đang được thảm nhựa |
Công trường thi công tại khu vực cầu vượt 765 rất nhộn nhịp với hàng chục công nhân làm việc nhưng mặt đường vẫn còn nham nhở, rất nhiều nơi mới lát đá dăm, chưa đổ bê tông. Các kỹ sư đang làm việc tại công trường phân trần: Giá vật liệu tăng cao nên các nhà thầu khó khăn về vốn. Bên cạnh đó mưa kéo dài, phải dừng thi công nhiều ngày nên hầu hết các hạng mục chưa thể hoàn thiện.
Trong khi đó, tuyến cao tốc đi qua huyện Cẩm Mỹ dài 13km xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn. Hiện mặt đường đã thảm nhựa láng bóng, phương tiện có thể qua lại thuận tiện. Ngay chân cầu bắc qua cao tốc tại xã Sông Nhạn đã có điểm trộn bê tông bằng máy, tập kết vật liệu sắt thép với hàng chục công nhân làm việc. Đây cũng là một trong những điểm cuối của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, khi hoàn thành sẽ đấu nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), giúp hành trình từ TPHCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận) rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 giờ.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, để đảm bảo được mục tiêu thông xe kỹ thuật, các nhà thầu đã huy động thêm 150 nhân công, 50 máy thi công, hơn 100 xe vận chuyển các loại, 2 trạm trộn bê tông xi măng... Hiện đã đạt 73,59% giá trị hợp đồng và các hạng mục chính như đắp nền đường K95+K98 đạt 100%, móng cấp phối đá dăm đạt 94%, móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt 89%, bê tông nhựa nóng R25 đạt 83%, bê tông nhựa nóng C19 đạt 68%...
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Điều hành công trường dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết thêm, dự án được khởi công từ tháng 9-2020, dự kiến cuối năm 2022 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá vật liệu tăng cao, nhà thầu khó khăn về vốn nên dự án chậm tiến độ. Sau khi thông xe kỹ thuật toàn tuyến, các nhà thầu sẽ tiếp tục thi công các hạng mục phụ trợ, an toàn giao thông, đường gom dân sinh để tiến đến đưa vào khai thác trước dịp lễ 30-4-2023.
Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận, có tổng kinh phí đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.