Cư dân cao ốc Ngô Gia Tự B cho biết căn hộ bị thấm dột, xuống cấp quá nhanh
Bán không được, ở cũng không xong
Khi lô A và lô G chung cư Ngô Gia Tự cũ đã xuống cấp trầm trọng, dự án xây dựng cao ốc Ngô Gia Tự B do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 làm chủ đầu tư được triển khai để chuyển người dân vào ở. Là một trong số ít chung cư xây dựng mới để người dân được tái định cư tại chỗ, cư dân rất phấn khởi vì không phải chuyển đi nơi khác, mọi sinh hoạt trong cuộc sống sẽ không bị xáo trộn.
Tháng 8-2011, cao ốc Ngô Gia Tự B hoàn công, nhưng mãi đến tháng 12-2013 người dân mới được dọn vào ở. Những tưởng nhà mới, khang trang thì cư dân yên tâm làm ăn sinh sống, nhưng không, trong số 314 hộ vào tái định cư, nay quá nửa đã dời đi. Nhiều người cho biết, nguyên do chủ yếu khiến các hộ dời đi là vì cao ốc xuống cấp quá nhanh, ở thì bực mình mà không có tiền để sửa, nên đành bán đổ bán tháo để tìm nơi ở khác.
Để xác minh phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã khảo sát thực tế tại cao ốc Ngô Gia Tự B và ghi nhận những bức xúc của cư dân là có cơ sở. Tại thang máy thứ 2 từ cửa vào, vừa bước vào trong, cánh cửa lập tức đóng sầm lại, toàn thang máy phát ra tiếng kêu và độ rung rất lớn.
Thấy chúng tôi hoang mang, một cư dân tại đây trấn an: “Thang máy ở đây là vậy, có 5 thang dân sinh nhưng thay nhau hư, chúng tôi đi riết thành quen. Mà sống ở cao ốc này thì phải làm quen nhiều thứ lắm, đi ngoài hành lang phải nhớ các vị trí đường ống rò rỉ để né nước tuôn vào người và tránh những khối gạch u lên, rạn nứt. Đặc biệt là phải gắng quen với mùi hôi hám. Cả nhà tôi phải dọn ra phòng khách ở, vì tường nhà bị thấm nước đến bong tróc và mốc đen”.
Chỉ vào các bức tường căn hộ bị thấm nước bong tróc từ ban công vòng vào 2 phòng ngủ, nhà vệ sinh và đang thấm vào nhà bếp, bà Lê Thị Thùy Hương (căn hộ số 502) chán nản cho biết: “Tôi không hiểu ống nước trong tường chất lượng thế nào mà khắp nhà tôi bị thấm như vậy. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa thì nước bên trên dội xuống không thoát được nên tràn vào nhà tôi lênh láng. Sống trong cao ốc mới mà xập xệ, khác gì chung cư cũ đâu, bán không được mà ở cũng không xong”. Căn hộ của bà Nguyễn Ngọc Thủy (số 517), Danh Thị Mười (số 1002) và hàng chục căn hộ khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Sống trong bất an
Phải sống khổ trong căn nhà mới, nên từ năm 2016, nhiều hộ dân và Ban quản trị cao ốc Ngô Gia Tự đã làm đơn kiến nghị gửi UBND phường 3 và UBND quận 10. Ông Phan Văn Long (nhà 903), thành viên ban giám sát cao ốc, bức xúc: “Chủ đầu tư bảo hành nhà trong 5 năm, nhưng xây xong từ năm 2011 mà đến mãi cuối năm 2013 người dân mới được vào ở, như vậy vô hình trung chúng tôi mất 2 năm 2 tháng bảo hành; dù mới ở hơn 4 năm nhưng chung cư đã hết hạn bảo hành. Thang máy cũng vậy, khi cư dân vào ở thì thang máy chỉ còn 6 tháng bảo hành, vừa ổn định cuộc sống cũng là lúc thang máy thường xuyên trục trặc, nhiều người vừa đi thang máy vừa lo lắng cầu Trời khấn Phật. Hiện căn hộ thấm dột, nên mấy năm nay cư dân phải vác đơn đi cầu cứu khắp nơi. Đầu tháng 2 vừa rồi, có đoàn của Sở Xây dựng TPHCM và đoàn của UBND quận 10 xuống kiểm tra, khảo sát, nhưng đến nay cũng không thấy thông tin phản hồi. Sống trong lo lắng như vậy thì sao chúng tôi an cư”.
Bà Lê Thị Hương Trà, Chủ tịch UBND phường 3 (quận 10), thừa nhận: “Cao ốc Ngô Gia Tự B xuống cấp nhanh, đúng là có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, việc người dân tái định cư bán căn hộ đi nơi khác cũng chưa hẳn vì nhà hư hỏng nặng nề, mà nhiều hộ chuyển đi vì nhu cầu riêng của gia đình. Vì phường không có thẩm quyền nên chỉ nắm bắt tình hình cao ốc Ngô Gia Tự B xuống cấp và kiến nghị lên các cơ quan cấp trên giải quyết. Được biết, hiện UBND quận 10 đang có kế hoạch họp bàn với các bên có liên quan để khẩn trương khắc phục các hạng mục xuống cấp nhằm giúp dân an cư”.
Tái định cư tại chỗ là phương án khả thi nhất để người dân an cư, nhưng nếu chỉ quan tâm đến vấn đề đảm bảo cuộc sống người dân không bị xáo trộn thì chưa đủ, điều kiện đủ là phải đảm bảo cơ sở vật chất thực sự an toàn, chất lượng.