Cao ốc “hành”giao thông

 
Tại cuộc họp thường kỳ kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 của Thường trực UBND TPHCM ngày 25-9, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết có tới 9% - 10% số lượng cao ốc được cấp phép vi phạm các quy định về xây dựng. Cụ thể, trong 145 công trình được cấp phép, có tới 15 công trình vi phạm. Với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng trong thời gian tới, nếu không có sự đổi mới trong quản lý, số lượng công trình cao tầng vi phạm quy định sẽ tăng. 

Nhìn lại những gì đang diễn ra trên thực tế, cảnh báo của ông Trần Trọng Tuấn không sai. Không những vi phạm các quy định về xây dựng, nhiều cao ốc vẫn mọc lên bất chấp chỉ đạo dứt khoát của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tạm ngưng xây dựng cao ốc trong các khu dân cư đông đúc cho đến khi hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Khu vực dọc bờ sông Sài Gòn (TPHCM) kéo dài từ quận Bình Thạnh qua quận 1 tới quận 4 đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông cao khi mà hàng chục cao ốc hàng mấy chục tầng đang dần hình thành. TPHCM đã triển khai xây dựng một nhà ga metro của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào hẳn trong khu dân cư này với kỳ vọng người dân ở đây sẽ sử dụng phương tiện công cộng để nhằm giảm tải cho hệ thống đường giao thông quanh đó. Tuy nhiên kỳ vọng này có thành công? 

Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đang triển khai công tác di dời, đốn hạ 123 cây xanh trên hai tuyến đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận) và Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình). Trong đó, đường Hoàng Minh Giám có 30 cây xanh bị xử lý, gồm: 5 cây di dời, trồng và bảo dưỡng tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM; 25 cây đốn hạ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-2017. Tuyến đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa) có 93 cây xanh được xử lý, gồm: 16 cây di dời được trồng lại và bảo dưỡng tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM; 77 cây đốn hạ trong thời gian tháng 8 đến tháng 12-2017.

Thế nhưng, việc phải đốn hạ và di dời hơn 100 cây xanh cũng chẳng biết sẽ giảm ùn tắc giao thông ở đây được bao lâu vì xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất còn tới mấy chục cao ốc đang dần hình thành. Chỉ tính riêng trên đường Phổ Quang, nhiều cao ốc đang vào những giai đoạn thi công cuối cùng. Khi hình thành, chúng sẽ kéo hàng chục ngàn hộ gia đình vào sinh sống. Khu vực gần chợ Tân Sơn Nhất, các cao ốc sừng sững cũng đang hút hàng ngàn người vào ở… Không lẽ lại phải chặt cây nữa và như vậy con người sẽ sống ra sao nếu chỉ có xe và các tòa nhà cao tầng? Lúc đó, không chỉ là ùn tắc giao thông mà còn ô nhiễm môi trường. 

Cùng với nỗ lực “giải cứu” cho giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM cũng đang dồn lực giảm ùn tắc giao thông cho khu vực quận 5 và quận 8 (đoạn gần đường Võ Văn Kiệt). Khu vực này được Sở Giao thông Vận tải TPHCM đánh giá là một trong 37 điểm nóng về an toàn giao thông của thành phố. Tại đây, TPHCM đang xây dựng thêm một số nhánh cầu kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chánh Hưng với đường Võ Văn Kiệt để giải quyết nhu cầu đi lại của cư dân quận 5, quận 8 tới khu vực trung tâm thành phố. Chi phí xây dựng các cầu này dao động từ 150 - 200 tỷ đồng/cầu. Chi hàng trăm tỷ đồng như vậy, song theo nhiều chuyên gia “chưa chắc giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở đây”. Khu vực cầu Chánh Hưng, Nguyễn Văn Cừ…với số dân hiện tại đã quá tải về giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra “có thể vào bất cứ giờ nào, ngày nào” như một người dân ở đây nhận xét, nên khi thêm người, chắc chắn giao thông chỉ có thể… tệ hơn, bởi vài cây cầu không đủ để giải quyết sự quá tải cho cả khu vực. 

 Vì sao vẫn còn tình trạng xây dựng các cao ốc trong nội đô đông đúc, lãnh đạo một số địa phương lý giải rằng “các cao ốc đã được cấp phép xây dựng trước khi có chỉ đạo dừng, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, làm sao buộc ngừng xây dựng?”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã gợi ý giải pháp thương thảo “đổi đất” với các nhà đầu tư. Thay vì xây dựng cao ốc trong khu dân cư đông đúc, nhà đầu tư có thể giúp chính quyền hình thành các khu đô thị vệ tinh để từng bước giãn dân. Chính quyền sẽ “bù đắp” những thiệt thòi cho nhà đầu tư bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt… Tại TPHCM, theo Quy hoạch Xây dựng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, thành phố có 3 đô thị vệ tinh: Tây Bắc, khu đô thị khoa học công nghệ quận 9, khu đô thị cảng Hiệp Phước, sẽ đủ sức cho các nhà đầu tư “thi thố” tài năng. Ấy vậy mà, cao ốc vẫn cứ hình thành trong các khu dân cư đông đúc, phần nhiều đã quá tải về giao thông trong khi các đô thị vệ tinh thì… mờ mịt.

Tin cùng chuyên mục