Cao Bằng lại úng lụt nặng

Từ tháng 6-2024 đến nay, hầu như tháng nào ở địa phận tỉnh Cao Bằng cũng xảy ra tình trạng mưa lớn, úng lụt, sạt lở. Trận mưa gần nhất từ đêm 22-8 đến hôm nay (24-8) đã nhấn chìm nhiều khu vực ở địa phương này trong biển nước mưa, nước lũ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Từ đêm 22-8 đến ngày 24-8, tình trạng mưa lũ kéo dài không ngớt tại tỉnh Cao Bằng đã khiến mực nước trên các sông Bằng và sông Hiến dâng cao, gây ngập lụt diện rộng ngay tại TP Cao Bằng và huyện Hòa An.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, đã có hơn 200 nhà dân bị ngập lụt và sạt lở, trong đó 27 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

IMG_1877.jpeg
Nhà cửa chìm trong lũ ở Cao Bằng

Theo hệ thống đo mưa Vrain, lượng mưa từ đêm 23-8 đến sáng 24-8 đã đạt 60mm tại trạm Đức Thông. Nước lũ tràn về nhanh chóng gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực ven sông Bằng và sông Hiến, ảnh hưởng đến nhiều phường và xã ở TP Cao Bằng như: Hợp Giang, Sông Hiến, Sông Bằng, Vĩnh Quang và Hưng Đạo.

Huyện Hòa An cũng ghi nhận tình trạng ngập lụt tại các khu vực Bế Triều, Mã Quan, Nà Mè, Nà Tẻng, Thái Cường và thị trấn Nước Hai. Trong đó, xóm Mỏ Sắt, xã Dân Chủ chịu ảnh hưởng nặng nề.

IMG_1874.jpeg
Nước lũ tràn vào thị trấn Nước Hai ở huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng)
IMG_1878.jpeg
Lực lượng chức năng ở tỉnh Cao Bằng khẩn cấp di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng úng lụt

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, từ tháng 6-2024 đến nay, những khu vực này đã có ít nhất 2 lần bị ngập lụt do mưa và nước sông dâng cao.

Không chỉ ngập lụt, tình trạng sạt lở đất cũng diễn ra trên diện rộng ở tỉnh Cao Bằng. Tổng cộng có hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và sạt lở, trong đó có 163 hộ bị ngập tại huyện Hòa An và TP Cao Bằng, 39 hộ khác bị sạt lở mái ta-luy tại các huyện Hòa An và Trùng Khánh.

Đặc biệt, một ngôi nhà tại thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An) đã bị sập hoàn toàn. Trước nguy cơ sạt lở cao, 27 hộ dân ở xóm Canh Biện (xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An) đã được di dời đến nơi an toàn.

IMG_1875.jpeg
Nước lũ dâng cao ở thị trấn Nước Hai

Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hạ tầng giao thông và sản xuất nông nghiệp. Nhiều tuyến đường nội tỉnh và liên xã tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa và TP Cao Bằng bị ngập lụt, sạt lở đất đá, vùi lấp mặt đường và gây cản trở giao thông. Gần 900ha lúa và hoa màu tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và TP Cao Bằng bị ngập úng và hư hại nặng.

Tâm điểm ngập lụt trong đợt mưa này là tại TP Cao Bằng. Theo thống kê ban đầu từ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cao Bằng, mưa lớn đã khiến 68 ngôi nhà bị ngập úng, sạt lở đất và 6 công trình giao thông bị thiệt hại. Diện tích cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng ước tính trên 245ha. Hiện các xã, phường vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại.

IMG_1870.jpeg
Nước sông Bằng, sông Hiến tràn vào TP Cao Bằng (khu vực trũng thấp ven sông) ngày 24-8

Chủ tịch UBND TP Cao Bằng, ông Nguyễn Thế Hoàn, đã chỉ đạo các xã, phường khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn cho người dân.

IMG_1868.jpeg
Người dân Cao Bằng chạy lụt trong đêm
IMG_1869.jpeg
Nước đỏ ngầu tràn vào nhà cửa

Các lực lượng chức năng đã được huy động để hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến tình hình thời tiết và mực nước sông Bằng.

IMG_1864.jpeg
Nước tràn qua cầu ở thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) ngày 24-8

Hà Nội hôm nay đã tạnh mưa, nắng ráo trở lại. Tuy nhiên khu vực miền núi phía Bắc vẫn đang hứng chịu thời tiết xấu. Trước tình hình này, ngày 24-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công văn đề nghị các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội tăng cường công tác tuần tra, canh gác đảm bảo an toàn đê điều.

Cơ quan phòng chống thiên tai cảnh báo, mực nước lũ trên sông Cầu vẫn dâng cao (mực nước đo tại các trạm như Chã, Lương Phúc, Phúc Lộc Phương và Đáp Cầu đều vượt mức báo động 1). Các địa phương cần triển khai ngay phương án bảo vệ các điểm đê điều xung yếu và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

Tin cùng chuyên mục