Một đầu sách nhiều nơi in
Nhiều độc giả không tránh khỏi cảm giác bối rối lẫn thích thú khi cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ cùng lúc xuất hiện trên thị trường với 2 phiên bản, do 2 đơn vị thực hiện. Nội dung sách không có nhiều khác biệt nhưng vì được đầu tư theo mức độ khác nhau nên giá sách cũng có sự chênh lệch. Bản của Omega+ có giá bìa là 499.000 đồng/cuốn; Đông A với ấn bản cao cấp giá 600.000 đồng/cuốn và ấn bản phổ thông giá 320.000 đồng/cuốn.
Tương tự, Nghệ thuật Huế của Léopold Michel Cadière - nhà Việt Nam học hàng đầu, với 398 trang, trong đó có 176 trang viết cùng hơn 200 trang phụ bản, được thể hiện sinh động, độc đáo. Sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên, hiếm hoi, từng được công bố rộng rãi từ năm 1919. Trong khi Nhã Nam chỉ thực hiện một phiên bản với giá 350.000 đồng/cuốn thì Thái Hà có bản thường bìa mềm 299.000 đồng/cuốn và bản đặc biệt bìa cứng (tặng hộp gỗ) 789.000 đồng/cuốn.
Không chỉ cạnh tranh với các đối thủ, sự cạnh tranh còn diễn ra ngay trong chính đơn vị làm sách. Trong kho tàng danh tác văn học Việt Nam, đã có khá nhiều đơn vị cùng khai thác như: NXB Văn học, Sống, Minh Long… Bản thân Nhã Nam cũng từng là một trong những đơn vị tiên phong và thực hiện có bài bản bộ sách Việt Nam danh tác, thừa sức để cạnh tranh với các đơn vị khác.
Tuy nhiên, mới đây, đơn vị này thông tin đến độc giả phiên bản Việt Nam danh tác hoàn toàn mới, được đầu tư một cách công phu và tinh xảo. Các tác phẩm được in giấy mỹ thuật 100gsm (giấy village thượng hạng màu kem), bìa da PU, nhiều màu sắc tùy vào tác phẩm cụ thể, minh họa và tên sách trên da được ép kim/nhũ bạc hoặc vàng tùy màu da bìa. Tất cả tác phẩm được thực hiện theo phương thức thủ công, sách có hộp carton nhập ngoại 2 ly, hoặc 2,5 ly (căn cứ vào độ dày mỏng cụ thể từng cuốn).
Trên thực tế, không phải đến bây giờ ngành xuất bản của Việt Nam mới có sự cạnh tranh như vậy. Nếu để ý sẽ thấy có rất nhiều tác phẩm trong nước lẫn thế giới bị “đụng” nhau giữa các đơn vị. Có thể kể đến: Những tấm lòng cao cả, Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Hoàng tử bé, Lĩnh Nam chích quái, Kim Bình Mai… Tuy nhiên, theo ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty sách Omega+ Việt Nam, tình trạng trên không thu hút được sự chú ý của dư luận vì nó diễn ra với các tác phẩm quen thuộc đã hàng chục năm. Nó chỉ trở thành vấn đề đặc biệt khi sự đụng chạm, hay thẳng thắn mà nói là sự cạnh tranh, diễn ra với những tác phẩm mới, nhất là những tác phẩm được người đọc trông đợi từ lâu. Đặc biệt là các tác phẩm gắn với Việt Nam thì càng gây được sự chú ý.
Thêm nhiều lựa chọn cho độc giả
Cuối năm 2019, nhiều chuyên gia đã dự đoán các xu hướng của xuất bản Việt Nam trong năm 2020, trong đó có việc dự đoán hình thành các sản phẩm sách xa xỉ. Bởi lẽ, sách không phải là một sản phẩm đặc thù, mà cũng là một dạng hàng hóa chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Sách không chỉ được chia thành các thể loại hay chủng loại mà còn có thể chia thành các phân khúc (về giá) tương ứng với từng nhóm đối tượng độc giả/khách hàng. Giống như các mặt hàng kinh doanh khác, có những loại bình dân nhưng cũng có loại cao cấp với giá bán rất cao.
Cũng theo các chuyên gia, có một thực tế trong xã hội Việt Nam là đã hình thành một tầng lớp vượt trên những nhu cầu về vật chất bình thường như ăn, ở, mặc..., họ có nhu cầu hưởng thụ lớn hơn về tinh thần, không những thưởng thức cái hay mà còn cả cái đẹp. Đó chính là tầng lớp trung lưu đang nhanh chóng phát triển về quy mô và dần dần có “gu” trong sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày. Sách khi nằm trong mối quan tâm của họ thì không phải là một sản phẩm ngoại lệ.
Điều này đặt ra cho các đơn vị xuất bản là cần thích nghi với hoàn cảnh mới, lựa chọn chỗ đứng phù hợp trong nền xuất bản thị trường và trong lòng độc giả, tương ứng với việc tạo ra các sản phẩm sách vở và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp với năng lực của mình.
Theo ông Vũ Trọng Đại, ngành xuất bản ở Việt Nam trên bình diện chung đã có bước tiến dài so với chục năm về trước, ít nhất dưới 2 khía cạnh về trình độ của đội ngũ và khả năng thiết kế, in ấn nhờ công nghệ hiện đại. Thêm vào đó, sự phát triển của thị trường xuất bản và nhu cầu của độc giả ngày càng cao chính là động lực thúc đẩy các tổ chức xuất bản phải chú trọng đầu tư ngày càng nhiều, chăm chút ngày càng kỹ cho sản phẩm của mình, gián tiếp là định vị thương hiệu của mình.
Ông Vũ Trọng Đại cho biết: “Sự cạnh tranh là điều tất yếu xảy ra, tôi không hề thấy lo ngại về điều này mà còn thấy đây là cơ hội cho ngành xuất bản nước ta chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, mau chóng bắt kịp trình độ xuất bản của thế giới. Các sản phẩm xuất bản của chúng ta đã tiến bộ hơn so với 10 năm về trước nhưng vẫn còn thua kém nhiều mặt so với sản phẩm của những nền xuất bản phát triển ở Âu, Mỹ, Nhật, Hàn hay ngay trong khu vực như Singapore, Thái Lan”.
Nhà văn Uông Triều đánh giá: “Tôi ủng hộ sự cạnh tranh tích cực. Điều này rất tốt cho tác giả lẫn độc giả. Thay vì chỉ có một ấn bản duy nhất, giờ đây độc giả có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền và thẩm mỹ của mình”.