Quy mô vốn bình quân của các dự án cấp mới đã lên đến 11,8 triệu USD/dự án (gần gấp đôi so với bình quân gần 6 triệu USD/dự án trong cùng kỳ năm 2020) và trên 8,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh (so với 7,1 triệu USD/lượt dự án trong cùng kỳ 2020).
Cùng với đó, số lượng dự án đăng ký mới có quy mô trên 50 triệu USD cũng tăng 73,3% so với cùng kỳ. Trong đó, có một số dự án tiêu biểu như LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD, Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam: 498 triệu USD, dự án của Intel: 480 triệu USD, dự án của Foxconn: 280 triệu USD...
Nhìn từ một khía cạnh, việc bớt đi các dự án “lít nhít” có thể coi là một động thái tích cực, cho dù đó là hệ quả của sự sàng lọc tự nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây, tình trạng xuất hiện nhiều doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) quy mô nhỏ vào Việt Nam (với vai trò vệ tinh, cung ứng cho các dự án FDI lớn) đã khiến các nhà quan sát kinh tế bày tỏ lo ngại rằng các doanh nghiệp FDI “lít nhít” này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu…
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, cũng không thể không cảnh giác trước tín hiệu về sự giảm sút sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, do cả những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút FDI rõ ràng là yêu cầu bức thiết, trong đó các ưu đãi tài chính là không thể thiếu. Song ưu đãi như thế nào mới là hợp lý và khôn ngoan? Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, xu hướng đua nhau giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là ở các nước ASEAN, có thể lợi bất cập hại.
Đây không phải là hiện tượng mới, mà đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng đang ngày càng khốc liệt hơn. Năm 1996, để thu hút đầu tư từ General Motors, Philippines hứa hẹn với nhà đầu tư sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm. Ngay lập tức, Thái Lan không chỉ đưa ra gói miễn thuế tương tự, mà còn “khuyến mại” thêm gói giảm thuế sau khi hết thời gian miễn thuế.
Cuộc đua xuống đáy này đã khiến cho mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trong ASEAN từ trên 25% vào năm 2010 giảm xuống còn 21,7% vào năm 2020; thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với mức trung bình trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 20%, khá “mềm mại” đối với các nhà đầu tư (thấp hơn Indonesia, Malaysia, Myanmar và Philippines), nhưng nếu tính cả các ưu đãi miễn, giảm thuế mà các quốc gia này đang áp dụng thì cũng chưa hẳn đã cạnh tranh.
Mặc dù vậy, dư địa cho giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều, nhất là trong bối cảnh ngân sách rất eo hẹp, nhiệm vụ chi rất lớn. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ liên quan đến thu hút FDI, mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm; thậm chí còn thể hiện chủ quyền quốc gia.
Trong khi đó, thuế chỉ là một trong những yếu tố để doanh nghiệp FDI ra quyết định đầu tư. Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc quốc gia Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, dịch Covid-19 khiến nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trên toàn thế giới suy giảm, nhưng điều đó không có nghĩa là nguồn vốn FDI bị thiếu, mà ngược lại rất dồi dào.
Nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn, có chiến lược kinh doanh bài bản và dài hạn, luôn căn cứ vào rất nhiều yếu tố như sự ổn định thể chế; tiềm năng, lợi thế về nguồn cung ứng nguyên vật liệu, nhân lực; môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi… để quyết định xuống tiền. Nói cách khác, để thu hút đầu tư nước ngoài bền vững phải sử dụng hàng loạt giải pháp đồng bộ, dài hạn, chứ không chỉ là các ưu đãi về tài chính.