Ngoài các đại biểu từ Viện Nghiên cứu Châu Mỹ và Trường ĐH KHXH-NV, hội thảo còn thu hút đông đảo các đại biểu từ các đơn vị đào tạo và nghiên cứu quan hệ quốc tế như ĐHSP TPHCM, ĐHSP Huế, ĐH HUFLIT, ĐH Duy Tân, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN…
Trong báo cáo đề dẫn của mình, TS. Bùi Hải Đăng, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế cho rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đặc biệt kể từ thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, trải dài ở nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại. Nhưng có lẽ, lĩnh vực cạnh tranh nổi bật và ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm là khoa học - công nghệ bởi đây là nội dung có tính quyết định đến lợi thế chiến lược của các cường quốc trong kỷ nguyên mà khoa học và công nghệ đang nắm vai trò dẫn dắt ở các khía cạnh chủ chốt như chiến lược, trật tự và chuỗi giá trị.
Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế chia sẻ, trong thời đại Internet và toàn cầu hoá, công nghệ đang trở thành điểm tập trung cho tất cả các lĩnh vực, như sản xuất, tài chính, nông nghiệp, giáo dục, truyền thông, giao thông vận tải.
Tất cả các lĩnh vực này đều thay đổi đáng kể dưới vai trò của công nghệ. Vì thế, khoa học và công nghệ nhiều khả năng sẽ là chiến trường chính trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy vậy, khoảng cách nhận thức giữa hai cường quốc về cách sử dụng công nghệ ngày càng gia tăng, và các chính sách của hai nước nhằm giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ cũng có nhiều khác biệt.
Rất nhiều nội dung xoay quanh chủ đề đề này đã được các đại biểu trình bày và thảo luận tại hội thảo như liệu Trung Quốc có vượt qua được Mỹ không và có khi nào kết thúc; khía cạnh nào của công nghệ cao đóng vai trò quyết định: tầm quan trọng của đất hiếm, con chip, vi mạch, công nghệ bán dẫn hay công nghệ IA… cũng như tác động và ảnh hưởng của vấn đề này đến tình hình an ninh – chính trị thế giới; Việt Nam cần phải làm gì trước những tác động tích cực cũng như tiêu cực từ cuộc cạnh tranh này.
Các đại biểu đều cho rằng Trung Quốc đang phát triển rất mạnh lĩnh vực công nghệ cao đe dọa đến vị thế của Mỹ trong hệ thống quốc tế hiện nay; văn hóa và thể chế là hạn chế của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh này. Trong thời gian gần đây, Mỹ ngoài việc tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ cao còn có những sách lược cụ thể để kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực này.