Cạnh tranh hàng không ngày càng khốc liệt

Thông tin mới nhất từ Cục Hàng không (HKVN) Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không năm 2019 vẫn đạt 11,8% về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại. Như vậy, việc các hãng hàng không mới tiếp tục gia nhập thị trường sẽ khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. 

Cạnh tranh tích cực hay phá hủy?

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, thị trường hàng không vẫn còn dư địa để phát triển tốt. Với gần 100 triệu dân, nhưng Việt Nam hiện mới có hơn 200 máy bay, Đây là một trong những cơ sở để Cục HKVN tiếp tục cấp phép cho các hãng bay mới ra đời. Theo kế hoạch, hàng không Việt Nam sẽ có thêm 3 hãng hàng không mới là  Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines, nâng tổng số lên 8 hãng hàng không Việt Nam cùng khai thác thị trường.

Thông tin này được người tiêu dùng chờ đợi vì tin rằng cạnh tranh càng lớn thì các hãng càng phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá vé. Có thêm hãng bay cũng đồng nghĩa với việc người dân có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Thực tế thời gian qua cũng đã cho thấy, người dân ngày càng dễ dàng mua được vé máy bay với giá thấp hơn nhiều so với vé ô tô, tàu hỏa cùng chặng đường.

Tuy nhiên, việc các hãng hàng không mới đang xếp hàng gia nhập thị trường cũng dấy lên lo ngại, liệu cuộc cạnh tranh này có phải là động lực để thị trường tiếp tục phát triển, hay sẽ tạo ra cuộc đua làm tiêu hao sinh lực của cả hãng cũ và hãng mới?

Cạnh tranh hàng không ngày càng khốc liệt ảnh 1 Máy bay trong và ngoài nước hoạt động tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Nhận định về vấn đề này, GS Nawal Taneja (Hoa Kỳ), người đã có thời gian nghiên cứu về thị trường hàng không Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của thị trường hàng không, nhưng cạnh tranh như thế nào rất quan trọng. Nếu cạnh tranh tích cực, hạ giá vé trên cơ sở tối ưu hóa chi phí thì sẽ rất tốt cho thị trường, một số nước đã vận hành tốt vấn đề này là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, nếu cạnh tranh theo kiểu phá hủy, không theo mô típ truyền thống, nghĩa là hạ giá vé chỉ nhằm loại bỏ đối thủ thì sẽ tự triệt tiêu chính mình, như đã từng xảy ra ở Nam Phi, Ấn Độ... Đối với Việt Nam, việc một số hãng hàng không tung ra hàng ngàn vé máy bay giá 0 đồng cũng không ít người lo ngại về việc cạnh tranh tiêu cực.

Tuy nhiên, ông Đinh Việt Thắng khẳng định, các hãng HKVN vẫn đang có kết quả kinh doanh tốt, đều có lãi, điều đó chứng tỏ giá vé thấp vẫn nằm trong cơ cấu tổng thể về giá vé của các hãng và nằm trong sự kiểm soát, không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường. 

Một áp lực lớn với các hãng là cạnh tranh nguồn nhân lực, hiện các hãng đều đang có kế hoạch tự chuẩn bị đội ngũ nhân sự chất lượng cao bằng cách đào tạo, liên kết đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật chất lượng cao. Tuy nhiên, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, trong ngắn hạn, ngành HKVN vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm phi công, nhân viên kỹ thuật, lực lượng quản lý điều hành bay... 

Ứng dụng công nghệ mới vào quản lý 

Theo các chuyên gia, khó khăn trong công tác quản lý điều hành hay khan hiếm nguồn nhân lực, các hãng đều có thể nỗ lực tự cải thiện. Riêng hạ tầng cảng hàng không sân bay mới là vấn đề nan giải nhất, đặc biệt là tình trạng quá tải tại 2 cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trong đó, năng lực khai thác của CHKQT Tân Sơn Nhất hiện đang là 44 chuyến/giờ vào ban ngày và ban đêm là 32 chuyến/giờ.

Các hãng hàng không trong nước đã thống nhất phương án chia sẻ để khai thác hết 943 slot trong ngày. Trong số 786 slot ban ngày đã được phân bổ, Vietnam Airlines và Vietjet đang nắm giữ mỗi hãng 240 slot. Jetstar Pacific 91 slot, Bamboo 41 slot và Vasco 21 slot. Số còn lại đang được phân bổ cho các hãng hàng không nước ngoài.

Tương tự, trong 157 slot ban đêm, Vietnam Airlines có 40 slot, Vietjet 28 slot, Jetstar 17 slot, Bamboo 12 slot và Vasco 21 slot, còn lại là của các hãng hàng không nước ngoài. Vào dịp cao điểm tết, sân bay Tân Sơn Nhất có thể lên 46 chuyến/giờ, nghĩa là mỗi ngày có thêm khoảng 14 slot, nhưng con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu của các hãng. Do sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, các hãng bay mới sẽ nhắm đến điểm đến khác kém hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh sẽ thấp hơn, nhất là trong thời gian đầu mở đường bay.

Về cơ sở vật chất, ngoài Vietnam Airlines đã có được vị thế tương đối tốt tại tất cả các cảng hàng không từ những ngày đầu tiên “một mình một chợ”, các hãng hàng không còn lại đều phải cật lực vì ngày càng vất vả hơn trong cuộc chen chân vào khai thác.

Cạnh tranh hàng không ngày càng khốc liệt ảnh 2 Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đại diện Hãng hàng không Vietjet chia sẻ, sau 8 năm hoạt động, đã có gần 80 máy bay, vận chuyển 100 triệu hành khách, nhưng đến nay hãng vẫn không có một “tấc đất cắm dùi” trên 22 sân bay trong cả nước, không có cơ sở để sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, không có cơ sở để làm các dịch vụ mặt đất, lực lượng tiếp viên... Đây là vấn đề chung của các các hãng hàng không còn non trẻ và sắp ra đời. 

Theo các chuyên gia hàng không, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh khó khăn như trên, các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải rất nỗ lực. Giải pháp tích cực nhất được đưa ra là ứng dụng công nghệ mới vào công tác quản lý.

GS Nawal Taneja cho rằng, nếu có phần mềm tốt, dữ liệu và phân tích đúng thì hoàn toàn có thể khai thác tốt hơn trong phạm vi hạ tầng hiện nay, nghĩa là vẫn có thể tăng chuyến bay mà không cần cải thiện hạ tầng. Đầu tư cho phần mềm quản lý hiện đại luôn dễ dàng hơn là xây dựng sân bay mới, giúp nâng cao năng lực khai thác hạ tầng, giải quyết được tình trạng kẹt nghẽn ở sân bay, giảm thời gian chết, thời gian chờ.

Đề xuất mở đường bay thẳng giữa TPHCM và TP Saint Petersburg - Nga

Chiều 30-12, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cho TPHCM nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa TPHCM và Saint Petersburg (Liên bang Nga).

Theo UBND TP, hiện nay, các chuyến bay từ TPHCM đến TP Saint Petersburg phải quá cảnh từ 1 - 2 điểm, dẫn đến kéo dài thời gian hành trình (thời gian bay ngắn nhất là 13 giờ và có ít nhất 1 điểm dừng). Do đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch, đầu tư, thương mại, giao lưu giữa nhân dân hai thành phố, UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT tải xem xét chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu khả năng mở đường bay thẳng giữa TPHCM và TP Saint Petersburg, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai thành phố nói riêng và hai nước nói chung.

QUỐC HÙNG

Cục HKVN vừa cho biết, cách đây ít ngày, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways và các đơn vị phục vụ đã ký quy chế phối hợp chia sẻ thông tin tại CHKQT Nội Bài.

Theo Giám đốc CHKQT Nội Bài Nguyễn Đức Hùng, việc phối hợp này nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mọi hoạt động khai thác tại sân bay, đảm bảo ra quyết định khai thác chính xác và kịp thời nhất, tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay trong tất cả các giai đoạn hoạt động của chuyến bay, bao gồm việc kiểm soát các vị trí đậu máy bay, cửa ra máy bay, quầy thủ tục, đảo hành lý.

Đặc biệt, việc phối hợp giữa các hãng và đơn vị quản lý sẽ tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát các phương tiện mặt đất hoạt động trong khu vực sân đậu và kiểm soát tình trạng cơ sở hạ tầng, khu bay, vật ngoại lai, chim và động vật hoang dã... góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. 

Ông Đinh Việt Thắng khẳng định, nếu nhận diện rõ những vấn đề cần phải đối mặt và có sự chuẩn bị tốt, các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là các hãng hàng không mới vẫn có nhiều cơ hội để phát triển, góp phần tăng trưởng bền vững thị trường, mang lại lợi ích đáng kể cho người dân và đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Cải tạo, xây mới nhiều nhà ga

Cùng với việc khởi công xây dựng nhà ga T2 Cảng hàng không Phú Bài (Huế) ngày 29-12 vừa qua, trong thời gian tới, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiếp tục triển khai xây dựng nhiều dự án quan trọng, như nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng hàng không quốc tế Vinh, xây dựng mới cảng hàng không Điện Biên.

Đặc biệt, ACV sẵn sàng triển khai giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường nói riêng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. 

SƠN LAM

Tin cùng chuyên mục