“Đổi cực” quan hệ
Trước hết, không thể không nhắc tới Sri Lanka. Cuộc khủng hoảng kinh tế, vỡ nợ đã khiến chính trường nước này chao đảo những ngày qua. Bạo động khiến Tổng thống tạm quyền kiêm Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc và kéo dài đến 5 giờ (giờ địa phương) ngày 14-7. Với các chính sách thân Trung Quốc, dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa, Sri Lanka đã nhận các khoản vay lớn từ Trung Quốc cho các dự án khổng lồ như cảng Hambantota và thành phố cảng Colombo. Bất chấp các khoản nợ hàng tỷ USD với Trung Quốc, không có dự án nào kể trên thu được lợi nhuận. Đến thời Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã đến Singapore sau khi rời đất nước - Chính phủ Sri Lanka đã chuyển hướng cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc để được nhận hỗ trợ từ cả hai bên, trong đó có hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng tài chính. Trong đó, Sri Lanka đã ký một thỏa thuận với Ấn Độ để phát triển khu cảng chứa dầu Trincomalee - một dự án New Delhi mong muốn từ lâu.
5 năm trước, đảng Cộng sản Nepal Marxist-Leninist thống nhất (CPN-UML) và đảng Cộng sản Nepal-Maoist (CPN-MC) liên minh với nhau lên nắm quyền với 2/3 số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, đưa nhà lãnh đạo K.P. Oli của CPN-UML trở thành Thủ tướng Nepal. Ông Oli được xem là thủ tướng có xu hướng ủng hộ Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Nepal và Ấn Độ ít nhiều căng thẳng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, năm 2020, chính quyền của Thủ tướng Oli bắt đầu rạn nứt do CPN-UML và CPN-MC xung đột về các thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Thủ tướng Oli phải từ chức khi những thành viên CPN-UML rời liên minh và phối hợp với đảng Quốc đại Nepal - đảng đối lập lớn nhất - để thành lập chính phủ mới. Thay thế ông Oli là ông Sher Bahadur Deuba. Kể từ khi trở lại văn phòng thủ tướng vào tháng 7-2021, ông Deuba tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Ông Deuba cũng thúc đẩy quốc hội phê chuẩn Thỏa thuận thách thức thiên niên kỷ (MCC) - một khoản tài trợ trị giá 500 triệu USD của Mỹ cho Nepal.
Cơ hội và rủi ro
Còn ở Pakistan, dù quan hệ giữa chính quyền Pakistan với Trung Quốc vẫn rất chặt chẽ nhưng các đảng đối lập của Pakistan có xu hướng sử dụng chiến thuật có mục đích gây rối như biểu tình ngồi tại các khu vực kinh doanh chính và đường cao tốc để thúc đẩy thay đổi chính trị. Trong khi đó, Mỹ vẫn cho thấy muốn có ảnh hưởng với quốc gia Nam Á này khi tổ chức đối thoại an ninh song phương và cam kết giúp Islamabad tái thiết kinh tế.
Dù Ấn Độ khó cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Nam Á, nhất là về kinh tế, nhưng New Delhi lại có quan hệ lâu đời về văn hóa, chính trị với các nước trong khu vực này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia nhận định, sự hội tụ về chiến lược của Mỹ, Ấn Độ ở Nam Á đang tăng lên.
Còn với các nước nhỏ, sự cạnh tranh của các cường quốc vừa có lợi vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc chỉ dựa vào một nước, như trường hợp của Sri Lanka với Trung Quốc, cho thấy không phải là lựa chọn khôn ngoan. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Ấn Độ xử lý tình hình khủng hoảng ở Sri Lanka tốt, New Delhi có thể giành được thiện cảm của người dân nước này. Trong khi đó, không như các nước láng giềng, Nepal đến nay chỉ nhận hỗ trợ chứ không vay từ Trung Quốc và coi sự cạnh tranh giữa các “ông lớn” là cơ hội để phát triển kinh tế.