Cạnh tranh “chiêu hiền đãi sĩ” ở Canada

Vào thời điểm thiếu hụt lao động đang lan rộng, cuộc cạnh tranh về các chiến lược thu hút, lựa chọn và trên hết là giữ chân những người nhập cư có tay nghề đang diễn ra quyết liệt tại các tỉnh ở Canada.

Canada đang tìm cách ổn định nhập cư ở mức 500.000 người mỗi năm, từ năm 2024 đến 2026. Ảnh: UDEMNOUVELLES
Canada đang tìm cách ổn định nhập cư ở mức 500.000 người mỗi năm, từ năm 2024 đến 2026. Ảnh: UDEMNOUVELLES

Công cụ thường được các tỉnh sử dụng nhất để thu hút người nhập cư kinh tế - người tìm kiếm mức sống được cải thiện về mặt kinh tế - là Chương trình đề cử của tỉnh (PNP), cho phép trực tiếp lựa chọn người nhập cư có tay nghề. Trong một số trường hợp, có tới 90% người nhập cư kinh tế của một tỉnh đã được lựa chọn thông qua PNP.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu chính sách nhập cư Catherine Xhardez, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Montréal, sau những nỗ lực tuyển chọn có mục tiêu này, các tỉnh phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giữ chân người nhập cư. Vì theo Hiến chương Quyền và Tự do của Canada, người nhập cư được hưởng quyền tự do di chuyển giống như công dân Canada, với một số điều kiện nhất định, và do đó họ có thể thay đổi tùy ý tỉnh, bang mà họ chọn lúc đầu.

Tài liệu 63 chương trình nhập cư kinh tế của các tỉnh cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các tỉnh về tỷ lệ giữ chân người nhập cư sau 5 năm. British Columbia, Quebec và Alberta dẫn đầu với tỷ lệ giữ chân người nhập cư sau 5 năm, lần lượt là 86%, 85% và 83%. Tuy nhiên, một số tỉnh phải vật lộn để giữ chân người nhập cư: New Brunswick giữ được 50%, Newfoundland và Labrador 46%, Prince Edward Island 31%.

Theo một nghiên cứu về chính sách nhập cư vừa được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc và Di cư, để tối đa hóa cơ hội giữ chân người nhập cư kinh tế, các tỉnh áp dụng nhiều tiêu chí tuyển chọn cụ thể, sử dụng PNP không chỉ như một công cụ thu hút mà còn như một đòn bẩy để giữ chân. Chiến lược “chiêu hiền đãi sĩ” của các tỉnh chia thành 4 tiêu chuẩn thích ứng. Thứ nhất, người nộp đơn được ưu tiên nếu họ đã có mối quan hệ gia đình, nghề nghiệp hoặc giáo dục với tỉnh. Thứ hai, chứng minh được ý định và khả năng định cư lâu dài (ví dụ chứng minh mối quan hệ với cộng đồng địa phương). Thứ ba là kế hoạch định cư chi tiết (kế hoạch hòa nhập cụ thể, bao gồm các điểm như nơi cư trú và giáo dục cho con cái).

Cuối cùng là tiêu chí loại trừ, ứng viên có thể bị từ chối nếu họ cư trú ở một tỉnh khác hoặc sở hữu tài sản ở một tỉnh khác. Những điều kiện này làm nảy sinh một tiêu chí lựa chọn mới, “người di cư lý tưởng” không chỉ là người có các kỹ năng chuyên môn cần thiết mà còn là người thể hiện cam kết mạnh mẽ với tỉnh sở tại. Bởi lẽ, việc một người nhập cư rời đi là một tổn thất ròng cho tỉnh chủ nhà ban đầu xét tới những chi phí mà tỉnh đã bỏ ra để thu hút nhân lực. Bà Catherine Xhardez lưu ý, vẫn phải xem liệu những chính sách này, đặc biệt là mối quan hệ với địa phương có hiệu quả trong dài hạn hay không và chính quyền các tỉnh cần hiểu rõ hơn về quỹ đạo của người nhập cư.

Ngoài những cân nhắc về tài chính, các chiến lược duy trì này đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa nhu cầu kinh tế của các tỉnh và quyền di chuyển của người nhập cư. Theo giới phân tích, khi cuộc cạnh tranh giành nhân tài ngày càng gay gắt, hiệu quả của các chính sách và tác động của chúng đối với sự phân bố dân số và kinh tế của đất nước sẽ là chủ đề tranh luận trong những năm tới.

Tin cùng chuyên mục