Một thời đợi những cánh thư
Trước đây, phương tiện giao thông, đi lại còn nhiều khó khăn, nên nhu cầu thăm viếng người thân ở phương xa của người dân trên cả nước được thay bằng hình thức thư đi tin lại, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.
Những ngày ấy, nhà nào có người thân đi xa hay họ hàng bấy lâu cách trở diệu vợi, cứ thi thoảng viết thư thăm nom nhau là điều không thể thiếu. Cho nên, trụ sở bưu điện vô hình trung là tụ điểm sinh hoạt của mọi người. Bà con đến đó để mua tem, gửi thư, thậm chí nhờ viết thư giùm. Và cũng không thể thiếu những lá thư tình được nắn nót từng chữ với những lời tha thiết yêu thương, thư đi rồi mỏi mòn chờ thư lại.
Bởi vậy, viết thư còn là một nghệ thuật, phải có thứ tự lớp lang, dù trong thư chỉ là những lời hỏi han thăm viếng, nhưng phải viết làm sao cho người đọc cảm động, thấy rưng rức trong lòng. Ngoài ra, điều đầu tiên khi viết thư là cần phải viết chữ đẹp. Mở thư ra, nhìn chữ đẹp, chưa đọc đã thấy cảm tình. Rồi đến hình ảnh của những người đưa thư dạo, lúc bấy giờ đã trở nên quen thuộc và hết sức thân thương. Họ ngày ngày trên chiếc xe đạp cà tàng, phía sau chở hai túi dết đựng thư, vừa đạp xe vừa bấm chuông leng keng inh ỏi. Hễ tiếng chuông dừng lại trước cửa nhà ai, là nhà đó có thư, mọi người trong nhà mừng rỡ chạy ra nhận thư của người xa gửi về.
Thường thì sau khi đọc thư của người thân, không ai xé bỏ, mà xếp lại kỹ càng kể cả bao thư cũng đem cất, lâu lâu đem ra đọc lại, rồi luôn thể xem con tem nó đẹp như thế nào. Có người còn hứng thú dán hẳn những con tem vào một album để sưu tầm, không chỉ có tem Việt Nam mà còn nhiều loại tem trên thế giới, vô tình trở thành bộ sưu tập tem phong phú và trở nên quý giá vô cùng.
Hình ảnh mỗi con tem dán trên góc bao thư gửi đi là không thể nào thiếu. Tùy bao thư cân nặng bao nhiêu, phải mua loại tem có giá tiền tương ứng với giá cước của bao thư đó. Giá tiền mỗi con tem chính là giá cước bưu điện. Do vậy, nội dung của con tem luôn phù hợp với hoàn cảnh xã hội.
Mà hiện đất nước đã thống nhất, giang sơn gom về một mối, một nhà nước, một thể chế, một Việt Nam. Cho nên, yêu cầu cấp bách đối với con tem phải được đổi mới cho phù hợp, những con tem cũ không còn thích nghi nữa, đã thuộc về quá khứ. Lúc bấy giờ, ngành Bưu điện mở ra cuộc thi vẽ mẫu tem với chủ đề “Việt Nam thống nhất”.
Người vẽ mẫu tem Việt Nam thống nhất
Họa sĩ Nguyễn Văn Hiệp tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1968. Sau đó, ông công tác tại Đài Truyền hình TPHCM đến năm 2011 mới nghỉ hưu, với vai trò Phó giám đốc thiết kế mỹ thuật.
Từ thuở còn học trong ngôi trường mỹ thuật, ông có niềm đam mê sưu tập tem, từ tem Việt Nam đến nhiều loại tem trên thế giới. Ông còn có khiếu vẽ tem, vẽ tranh cổ động vượt trội so với bạn bè. Với tài năng của mình, ông đã đoạt rất nhiều giải về vẽ tem, vẽ tranh cổ động trong nước và quốc tế. Do vậy, ông tham dự và đoạt giải cuộc thi vẽ mẫu tem Việt Nam thống nhất, được ngành Bưu điện phát hành lần đầu vào ngày 24-6-1976.
Họa sĩ Nguyễn Văn Hiệp nhớ lại: Mới đó mà 45 năm rồi. Thời gian như bóng câu qua cửa. Dạo ấy trong niềm vui chung của dân tộc, khi nước nhà thống nhất, hay tin Nhà nước mở cuộc thi vẽ tem, tôi hào hứng tham dự, nhưng còn đang băn khoăn chưa biết thể hiện nội dung như thế nào cho đầy đủ ý nghĩa sâu sắc của nước Việt Nam thống nhất. Thông thường trong nội dung mẫu tem, bao giờ cũng thể hiện về hình ảnh của anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất nước con người…
Nhưng một đất nước Việt Nam với truyền thống bất khuất anh hùng, có bề dày lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đến giờ là một Việt Nam thống nhất, thì phải thể hiện làm sao cho đúng. Sau bao ngày trăn trở, một ý nghĩ chợt lóe sáng. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của nước Việt Nam, một dải đất thiêng liêng hình chữ S chạy dài theo Biển Đông mênh mông, với tài nguyên rừng vàng - biển bạc được thiên nhiên ưu đãi. Và thế là mẫu tem “Việt Nam thống nhất” ra đời.
Nhắc lại kỷ niệm xưa, ông Nguyễn Văn Hiệp tâm sự, khi nói đến văn hóa truyền thống Việt Nam, mấy ai quên hình ảnh Trống đồng Ngọc Lũ trải qua mấy ngàn đời còn lưu giữ. Mẫu tem “Việt Nam thống nhất” vì thế được ông thể hiện bằng hình ảnh nước Việt Nam hình chữ S nằm trên nền là trống đồng Ngọc Lũ bàng bạc thiêng liêng. Hình ảnh cho người xem thấy rằng đất nước và con người Việt Nam hình thành và phát triển từ truyền thống con Lạc cháu Hồng, muôn đời không thể nào chia cắt.