Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tại hội trường Quốc hội sáng 26-5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, liên quan đến quy định huy động người, phương tiện, thiết bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tên điều và nội dung điều luật theo hướng chỉ huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.
Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn nhiệm vụ chính của CSCĐ là chống bạo loạn, chống khủng bố; sửa lại khoản 2 thành “Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố”; thu hút một số nội dung khoản này xây dựng thành khoản 3 quy định về “Sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ sau” và bổ sung khoản 4 quy định về xây dựng, huấn luyện, diễn tập phương án để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này…
Theo dự thảo, Bộ trưởng Bộ Công an được giao quy định quy trình xây dựng và thực hiện phương án của CSCĐ để phù hợp với thực tiễn và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc nhiệm vụ “Tuần tra, kiểm soát” vì đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên và không mang tính đặc thù của CSCĐ, UBTVQH xin hồi âm: Đây là quy định kế thừa khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh CSCĐ và đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước.
Dù vậy, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, dễ thực hiện, trên cơ sở luật hóa một số quy định hiện hành, UBTVQH đề nghị bổ sung Điều 12 quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ như dự thảo trình Quốc hội.
Cũng trong phiên thảo luận trước, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương”, vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.
Giải trình nội dung này, UBTVQH báo cáo, theo Luật Phòng, chống khủng bố thì Bộ Công an chủ trì “tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố”. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã giao CSCĐ tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành công an và nhiệm vụ này đã thực hiện có hiệu quả.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Đề cập đến Quyền hạn của Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới phản ánh, một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; có ý kiến đề nghị quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ.
Nhận thấy quy định về quyền hạn của CSCĐ được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa Pháp lệnh hiện hành, UBTVQH cho cho biết, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cơ bản nhằm bảo đảm cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.
Liên quan đến quy định trình tự, thủ tục thực hiện các quyền của CSCĐ, UBTVQH thấy rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ liên quan đến nhiều luật như: Luật Công an nhân dân; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam… Trong khi các luật này đã quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Vì lẽ trên, UBTVQH đề nghị không quy định lại các nội dung trên mà chỉ dẫn chiếu đến quy định của pháp luật có liên quan.