Sáng 8-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam
Vùng biển nước ta có vị trí chiến lược quan trọng, nên tình trạng tranh chấp chủ quyền rất phức tạp với các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia.
Việc thăm dò khai thác tài nguyên thủy sản trái phép của tàu, thuyền diễn ra bức xúc.
Mặt khác, lợi dụng vùng biển rộng, lực lượng cảnh sát biển mỏng, các loại tội phạm như cướp biển, buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn bán vũ khí, chất nổ ngày một tinh vi, manh động.
Xây dựng lực lượng CSB chính quy, hiện đại, tinh nhuệ là yêu cầu cấp bách.
Vì vậy, các ĐBQH đều đồng tình cao ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam - lực lượng chấp hành pháp luật bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn, đấu tranh chống tội phạm trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cần phân định rõ nhiệm vụ của lực lượng CSB với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về nhiệm vụ, khoảng trống về trách nhiệm trên biển.
Một vấn đề mà các ĐB còn có ý kiến khác nhau là có nên quy định CSB là lực lượng vũ trang hay không?
Dự thảo đã xác định: "Lực lượng CSB Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý điều hành và hoạt động, đồng thời khi có xung đột vũ trang trên biển thì đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển".
Bởi vậy, theo ĐB Tô Văn Tám ( Kon Tum) và nhiều ĐB khác, quy định CSB Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) lại có ý kiến: Theo Luật Quốc phòng vừa được thông qua có quy định lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 bộ phận cấu thành Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng Dân quân tự vệ.
“Không nên ghi điều này vào trong luật hoặc viết cách nhẹ bớt đi. Nếu ghi vào trong luật lực lượng CSB thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hay là lực lượng vũ trang nhân dân thì là một vấn đề rất nhạy cảm”, ĐB Nguyễn Phương Tuấn nói.
Theo ĐB Nguyễn Phương Tuấn, nếu chúng ta đưa lực lượng này vào lực lượng vũ trang nhân dân thì vô hình chung chúng ta sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang, tức là sử dụng quân đội để xử lý những xung đột trên biển về mặt dân sự.
“Chúng ta không có gì phải quan ngại với thế giới cả. Tình hình vùng biển của chúng ta diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Nếu như không tăng cường sức mạnh và phương tiện, trang bị, quản lý vùng biển trong đó có CSB thì sẽ đánh mất vai trò của lực lượng CSB nếu không xác định là lực lượng vũ trang”, ĐB Nguyễn Minh Hoàng nói.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, CSB tương tự như biên phòng trên đất liền, một bên làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển và một bên làm chấp pháp trên đất liền, đều liên quan đến phòng thủ đất nước.
“Khi có chiến tranh xảy ra, khi đất nước bị tấn công thì lực lượng CSB, lực lượng biên phòng bao giờ cũng phải nổ súng đầu tiên nếu nước ta bị tấn công. Từ xưa đến nay biên phòng đã là lực lượng vũ trang rồi nên CSB không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
ĐB Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho rằng, quy định CSB dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp của Đảng, dưới sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý và điều hành là dàn trải.
“Nên quy định rõ CSB lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ủy Quân sự Trung ương, điều hành quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì như thế là đủ, đó là thể hiện rõ quan điểm của chúng ta”, ĐB Lê Ngọc Hải nêu.
Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, hoạt động phối hợp của CSB với lực lượng các bộ ngành, trong đó có kiểm ngư đã được quy định trong dự thảo Luật. Nhưng tiếp thu ý kiến ĐB, Ban soạn thảo sẽ thể hiện rõ hơn nội dung và đối tượng phối hợp của CSB.
“Việc xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển, hải quân là lực lượng nòng cốt, các lực lượng khác là lực lượng phối hợp, trong đó có CSB”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, dự thảo Luật cũng quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với CSB nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong quản lý điều hành hoạt động của CSB.
Quy định như trên tránh hiểu CSB là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với CSB trên khu vực biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.