Trong một động thái tiếp tục gây bất ngờ, ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có khả năng diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore theo như kế hoạch ban đầu.
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi cũng chính chủ nhân Nhà Trắng quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh song phương Mỹ - Triều Tiên, bất chấp Bình Nhưỡng bắt đầu phá bỏ bãi thử hạt nhân tại Punggye-ri ngày 24-5.
Bình Nhưỡng cởi mở trao cơ hội cho phía Mỹ
Theo hãng tin Yonhap, ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện thái độ tích cực trước việc Triều Tiên tuyên bố vẫn để ngỏ đối thoại. Trên trang Twitter, Tổng thống Donald Trump viết: “Thực sự là tin tốt đẹp khi nhận được tuyên bố nồng ấm và hữu ích từ phía Triều Tiên. Chúng ta sẽ sớm thấy liệu điều này sẽ dẫn tới đâu, hy vọng dẫn tới một tương lai hòa bình, thịnh vượng lâu dài và vững bền”.
Trước đó, những hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy khói bốc lên từ miệng một đường hầm và những nhà gỗ trên mặt đất nổ tung tại Punggye-ri. Tuyên bố của KCNA nêu rõ: “Việc phá bỏ bãi thử hạt nhân là một sự thể hiện mạnh mẽ lập trường kiên định yêu chuộng hòa bình của Chính phủ Triều Tiên hòa chung nguyện vọng và những nỗ lực quốc tế đối với việc chấm dứt hoàn toàn các cuộc thử hạt nhân và đóng góp tích cực vào việc xây dựng một thế giới phi hạt nhân”.
Các nhà báo nước ngoài đã chứng kiến việc phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri
Khói bốc lên tại một địa điểm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phá bỏ
Trước đó, Nhà Trắng nêu lý do hủy cuộc gặp trên là do “thái độ thù địch công khai và giận dữ ghê gớm” trong một tuyên bố gần đây của Triều Tiên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha trong cuộc điện đàm ngày 25-5 rằng, Mỹ vẫn cam kết đối thoại với Triều Tiên mặc dù Tổng thống Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh.
Về phần Triều Tiên, nước này tiếp tục “chìa cành ô liu” với Mỹ. Hãng KCNA ngày 25-5 dẫn lời một quan chức cấp cao của Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng khẳng định cam kết của Bình Nhưỡng làm hết sức mình vì hòa bình và ổn định cho thế giới. Bình Nhưỡng cởi mở trao thời gian và cơ hội cho phía Mỹ, sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ khi nào. Bình Nhưỡng cũng liên tục bày tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc cản trở hai bên tiến hành cuộc gặp. Điển hình như việc trả tự do cho 3 công dân Mỹ hay dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Hai bên đang thận trọng? Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ Ngoại giao Singapore cũng tuyên bố lấy làm tiếc, song bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục nỗ lực chung hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc họp khẩn với các quan chức ngoại giao và an ninh hàng đầu Hàn Quốc ngay trong đêm 24-5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết những bất đồng hiện nay. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng hy vọng Mỹ và Triều Tiên cùng ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận trực tiếp về những vấn đề bất đồng tồn tại giữa hai nước. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon tuyên bố Seoul sẽ thực thi một cách trung thực phần việc của Seoul trong thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng trước. Báo chí thế giới ngày 25-5 cũng đã đưa ra những bình luận đa chiều về động thái này, đặc biệt thông báo được đưa ra ngay sau khi Triều Tiên tiến hành phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Có 28 nhà báo nước ngoài từ Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Hàn Quốc đã đến chứng kiến việc phá bỏ bãi thử hạt nhân này. Có mặt tại Triều Tiên quan sát toàn bộ quá trình phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, phóng viên Will Ripley của hãng tin CNN, Mỹ, đánh giá thời điểm mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy đối thoại thượng đỉnh đã lên kế hoạch với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, mọi lòng tin mà Mỹ và Triều Tiên vừa xây dựng được với nhau đã đổ vỡ hoàn toàn. Theo phóng viên Ripley, khi Triều Tiên công khai việc phá hủy Punggye-ri, tức là Bình Nhưỡng đã hy vọng có thể tạo thêm những cơ hội tốt hơn cho đất nước, và đó cũng là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang tuân thủ cam kết về phi hạt nhân hóa. Cơ hội biến cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều Tiên - một thời khắc đặc biệt cho hòa bình thế giới - như chính lời Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, đã bị bỏ lỡ sau quyết định bất ngờ của chủ nhân Nhà Trắng. Báo chí phương Tây nhìn chung nhận định diễn biến mới này có nguy cơ đẩy quan hệ Mỹ - Triều Tiên trở lại trạng thái khủng hoảng. Tuy nhiên, có thể cả hai bên vẫn đang thận trọng.
HẠNH CHI (tổng hợp)