Đêm đó, ba lại hì hụi lôi cái bình lớn dưới góc bếp ra, chà rửa trong ngoài cho thật sạch. Cái bình to tròn, màu xanh tím sẫm, cao hơn nửa người em tôi lúc ấy, hình như được ba mua chỉ dùng cho mỗi việc này, đúng một năm một lần. Bình chà sạch bóng xong, ba cẩn thận tỉa gọt lại cành mai, rồi cắm vào, đổ nước gần ngập đến miệng bình. Nhiệm vụ của anh em chúng tôi sau đó là kiếm đá, sỏi chèn thêm vào bên trong để giữ cho cành mai đứng yên, không bị rung lắc.
Sau khi cố định bình và cành mai, ba vặt sạch lá mai và cẩn thận vần vào một góc trong phòng khách, ngay bên cạnh kệ sách và bàn tiếp khách ngày tết của gia đình. Tiếp theo đó là chuỗi ngày ba đi ra đi vào chăm bẵm, kiểm tra mực nước, trông chừng cành mai, nâng niu như một báu vật mùa tết. Cành mai bị chặt gần sát gốc, vẫn còn nguồn nhựa sống âm ỉ chảy bên trong, sau khi được dưỡng vào nước đã bắt đầu cựa mình lại, bung những lộc non nho nhỏ xanh mướt mà mỗi ngày ba đều dõi theo, hầu như không bỏ sót một tấm lá nào.
Rồi sau khi lá non bắt đầu bung xòe lớn, cành mai trong bình đã chuyển sang màu xanh nõn nà của đám lá mới thì lác đác trong đó là những nụ mai tròn tròn bắt đầu xuất hiện. Ba trầm trồ mỗi khi thấy cành mai bung thêm một nụ hoa nho nhỏ, nhìn chúng lớn dần lên mỗi ngày và ba cũng nhẩm tính được những búp nào sẽ bung nở kịp đón giao thừa, tiếp theo sẽ là những hoa nào đón chào khách đến thăm ngày tết.
Ba mẹ đều là giáo viên nên hầu như tết nào nhà cũng có khách, từ đồng nghiệp chung trường, bạn bè cũ của ba mẹ, cho đến học trò đang dạy, học trò từ mấy năm trước cũng về thăm nhà ngày tết, đến thăm thầy cô cũ của mình...
Cành mai đứng yên một góc phòng, chồm mấy nhánh vươn về phía bàn tiếp khách và không quên chưng ra những bông hoa vàng rực cả một mùa tết, hân hoan đón chào những vị khách quý. Trên cành mai lúc ấy đã kịp được treo lên những dây đèn xanh đỏ nhấp nháy sáng và vài cái phong bì lì xì đo đỏ do anh em chúng tôi tỉ mẩn cột chỉ gắn lên…
Mở đầu câu chuyện ngày tết thăm nhau ở quê tôi thường là về cành mai rừng. Chuyện chú Tám hàng xóm chịu khó đi xa hơn chút, mà chặt được cành mai ra hoa cả hai tầng cánh cực đẹp. Chuyện anh Hùng đi với bạn chặt cùng một gốc mai mà cành của anh kia cho hoa đều, đẹp, cành của Hùng lại chỉ lác đác có vài nụ, tết rồi còn chưa chịu bung hoa! Chuyện ông Năm đã sức yếu, không đi chặt mai rừng nữa, chỉ ra vào chăm sóc cho cội mai tứ quý trồng trước nhà, cũng có hoa chơi tết với người ta. Quê tôi khi ấy đều vậy, xem việc sở hữu một cành mai rừng ngày tết cứ như là một lẽ dĩ nhiên và lan tỏa niềm vui cùng nhau.
Đến khi vào học trong TPHCM, tôi mới biết đến những gốc mai kiểng, trồng chậu, cắt ghép hoàn hảo, muốn hoa mấy tầng, mấy cánh cũng được, thậm chí có chậu mai được ghép hoa vàng rực từ gốc lên đến tận đỉnh. Nhà giàu, công sở… sẵn sàng bỏ tiền chục triệu để mua gốc mai kiểng chơi tết, sau tết cứ gửi lại nhà vườn chăm sóc.
Bẵng mấy năm đại học, trở về nhà mùa tết tôi không còn thấy cảnh cành mai rừng cắm trong bình nước nữa, mà thay vào đó là chậu mai nho nhỏ giâm trồng trong đất, được cọng sắt uốn éo ghìm cho nhỏ lại và cũng ráng sức bung được vài cánh hoa vàng. Thấy tôi có vẻ lạ, thằng em cười, giờ ai cho chặt mai rừng nữa anh, tết nào bà con mình cũng rùng rùng vào rừng riết thành đồi trọc luôn, có ông không chỉ chặt cành mà còn đào lỗ, đánh cả gốc về nhà, ai chịu được!
Ờ nhỉ, dần dần theo thời gian, con người cũng đã ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường, bảo vệ đất rừng, thì việc mỗi người mỗi nhà lên núi chặt một cành vào ngày tết thôi cũng đủ khiến cả khu vực ấy tan nát.
Nhìn chậu mai nhỏ trên bàn ở nhà ngày tết, nhớ những chậu mai ghép vàng rực kim tiền giữa TPHCM, tôi vẫn không sao nguôi được cành mai rừng ba chăm bẵm ngày ấy. Nó hun đúc biết bao cảm xúc của người đã phấn đấu làm lụng cả năm, nao nức đón chờ, tận hưởng những gì đẹp đẽ viên mãn của ngày tết.
NGUYỄN THANH BÌNH
Xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TPHCM.