Trước thông tin này, trao đổi với PV Báo SGGP, chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu khẳng định, đây là trò mạo danh mà người dân cần cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở sự việc này, nếu nạn nhân tin, tội phạm sẽ dẫn dụ, yêu cầu chuyển tiền để “chạy án”, để xác minh hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Người dân cần biết, không có việc cơ quan công an gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Khi truy nã bị can bỏ trốn, theo quy định, quyết định truy nã phải được gửi đến công an xã, phường, thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); viện kiểm sát nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã; viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã…