Một số kẻ xấu nhân cơ hội đó gây tâm lý lo lắng, bất an trong xã hội, gây rối cuộc sống cộng đồng và khó khăn cho cơ quan chức năng. Các chuyên gia tâm lý đã nêu ý kiến về vấn đề thời sự: cảnh giác với tin đồn và hội chứng đám đông.
Một người đàn ông hành nghề phun thuốc diệt muỗi bị nhiều người dân thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) hành hung bầm giập vì tưởng là kẻ bắt cóc trẻ em. Ảnh: MINH PHONG
Tỉnh táo tránh hội chứng đám đông
Liên tiếp xuất hiện những tin đồn về bắt cóc trẻ em được chia sẻ trên mạng xã hội và được truyền miệng mà không có nguồn gốc rõ ràng. Một số người hư cấu ra câu chuyện chỉ nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, thậm chí có kẻ còn tạo ra các video clip thật ghê rợn về các vụ trẻ em bị bắt cóc và bị lấy nội tạng để gây hoang mang dư luận.
Nếu như nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và thiếu sự sàng lọc, không được định hướng, thì người tiếp nhận tin đồn có tâm lý sợ hãi và trở thành phương tiện lan truyền tin đồn đến người khác, thậm chí có hành vi bốc đồng, sai trái. Rất nhiều người dân đã xông vào hành hung những người bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em, dù rằng không có bằng chứng nào cả mà chỉ là do tâm lý nghi ngờ, cùng với đám đông bị kích động.
Thậm chí, có những người thừa hiểu đó là chuyện bịa đặt nhưng vẫn không làm chủ được hành vi của mình nên cũng chạy theo tin đồn để nghe ngóng, quan sát và cổ vũ cho hành vi sai trái.
A dua, vơ đũa cả nắm, tát nước theo mưa chính là phương thức lây lan nhanh chóng của các tin đồn thất thiệt. Vì thông tin thiếu nguồn gốc, không được kiểm định rõ ràng, dễ lôi kéo, cùng với tâm lý đám đông, nên một số kẻ xấu lợi dụng tin đồn để kích động bạo loạn, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, thậm chí còn lợi dụng tin đồn nhằm kích động tấn công vào cơ quan công quyền khi các vụ việc chưa thể phân xử đúng sai.
Chúng ta nên thật tỉnh táo, không nên chạy theo tâm lý đám đông. Khi một thông tin nào đó chưa được kiểm định đúng sai thì cần bình tĩnh, cân nhắc, tìm hiểu. Tránh việc vô tình tiếp tay lan truyền tin đồn nhảm và lôi kéo, kích động người khác, phục vụ ý đồ của một nhóm người xấu.
NGUYỄN VĂN CÔNG (Thạc sĩ tâm lý; ngụ Biên Hòa, Đồng Nai)
Thận trọng với thông tin trên mạng
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin đồn nhảm. Có nhiều người vì thiếu hiểu biết mà tiếp nhận thông tin một cách vội vàng, hấp tấp tiếp tay làm cho tin đồn được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng. Những tin đồn nhảm về chuyện bắt cóc trẻ em đánh vào tâm lý cha mẹ lo lắng bảo vệ con, nên dễ thành chất xúc tác để kích động bạo lực, xâm phạm đến thân thể hoặc hủy hoại tài sản của người khác, điển hình là các vụ đánh hội đồng, đập phá, đốt xe diễn ra trong thời gian qua.
Khi đến với mạng xã hội, chúng ta nên biết tỉnh táo, khai thác thông tin một cách khoa học. Với việc tiếp nhận thông tin một cách tùy tiện, cảm tính, rồi bình luận, phán xét một cách vô căn cứ, tát nước theo mưa, vô tình chúng ta trở thành công cụ trung gian để truyền tải những tin đồn không có thật đến cộng đồng, làm cho đời sống tâm lý nhân dân bị bất an. Tin đồn thường có nguyên nhân do người dân thiếu thông tin, cộng với tính tò mò, đưa chuyện của một bộ phận công chúng.
Tin đồn thường xuất hiện khi người ta thiếu hoặc thừa thông tin, dựa vào kinh nghiệm của bản thân, dựa vào những yếu tố chủ quan mà phán đoán, từ đó nảy sinh những thông tin, những câu chuyện thường là hoang đường. Dù vậy, tin đồn cũng ẩn chứa những suy nghĩ và tình cảm của công chúng. Tin đồn thường có tính thất thiệt, còn dư luận xã hội phản ánh trung thực về những suy nghĩ, tình cảm, thái độ của chủ thể. Tuy nhiên, giữa dư luận xã hội và tin đồn không có sự ngăn cách tuyệt đối.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp nhanh nhạy và hiệu quả để ngăn chặn ngay tin đồn thất thiệt. Khi xảy ra vụ việc, cần nhanh chóng giải tán tin đồn, tránh để xảy ra tâm lý lây lan, mất trật tự, hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, nhất là hành vi bạo lực và hủy hoại tài sản. Khi có tin đồn mang nguy cơ kích động, cơ quan chức năng phải xác định ngay thông tin - nguồn gốc từ đâu, ai là người tuyên truyền phát tán, từ đó nhanh chóng ngăn chặn và có những hành vi xử lý thích hợp.
Nhận diện được đâu là tin đồn, để không tiếp nhận và lan truyền tin đồn thất thiệt là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân. Hãy tiếp nhận thông tin một cách có trách nhiệm và đề cao giá trị.
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý Đại học Nguyễn Huệ)