Nhiều chiêu trò tuồn phi pháp
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM cho biết, việc doanh nghiệp được đối tác chào bán các tour du lịch Trung Quốc, nhưng lồng ghép ấn phẩm, tờ rơi có in “đường lưỡi bò” vẫn diễn ra thường xuyên.
“Do các ấn phẩm tham khảo, lưu hành nội bộ nên ban lãnh đạo phát hiện kịp thời. Chúng tôi cũng trao đổi trực tiếp với đối tác về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nếu họ kiên quyết không thay đổi, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng”, vị giám đốc hãng lữ hành trên nói.
Còn nhớ, vào năm 2018, tại Khánh Hòa xuất hiện nhóm du khách Trung Quốc mặc áo thun in “đường lưỡi bò” bao trùm các quần đảo của Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực. Hay cách đây ít ngày, Sở Du lịch TPHCM phát hiện các ấn phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM 2019 có in “đường lưỡi bò”; sau đó ấn phẩm bị tịch thu, tiêu hủy… Gần hơn, bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ cũng đã bị người xem phản ứng do nhà sản xuất lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông.
Chia sẻ với Báo SGGP, một cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nói rằng, chiêu trò tuồn phi pháp bản đồ có in “đường lưỡi bò” rất tinh vi. Nhiều du khách Trung Quốc in sẵn trên nón, áo, tờ rơi… nhưng cất giấu trong vali hoặc túi xách tay. Chỉ khi nào hoàn tất các thủ tục, đến các điểm vui chơi, khu di tích, họ mới lấy ra để sử dụng, nên khó phát hiện.
Nguyễn Tất Đạt, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nói: “Bản thân tôi nhiều lúc không để ý đến những chấm nhỏ, hoặc đường đứt đoạn trong các bộ phim liên quan đến biển đảo đã xem. Đến khi quan sát kỹ mới phát hiện ra sự lồng ghép có chủ ý này. Tôi cho rằng, nên có những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhất là với người trẻ. Chúng tôi phải là những người cảnh giác nhất và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước ra cộng đồng”.
Sử dụng “quyền lực mềm”
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Liên Bang Travel, cho biết, công ty thường xuyên có các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên, nhân viên… trong việc xử lý các tình huống nhạy cảm, liên quan đến chủ quyền biển đảo quốc gia. Do vậy, công ty yêu cầu mọi người luôn cảnh giác, không thể lơ là.
“Tôi yêu cầu nhân viên có thể tận dụng các bản in bằng tiếng Việt rõ ràng, dễ hiểu, nhưng vẫn phải rà soát chặt chẽ. Riêng những ấn phẩm tiếng nước ngoài không rõ nghĩa, tôi khuyến cáo nhân viên không nên sử dụng. Chúng tôi cũng luôn soạn lại các thông tin từ đối tác cung cấp sao cho rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp tiêu chí trong nước”, ông Từ Quý Thành cho biết.
Anh Nguyễn Quang Thiều, giáo viên dạy chính trị tại TPHCM, cho rằng, ấn phẩm hình ảnh phục vụ cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch thường do bộ phận chuyên trách của các công ty về thương hiệu quản trị và xây dựng, do đó hoàn toàn nằm trong kế hoạch của các công ty. Đối với những vấn đề liên quan đến các nội dung phản cảm, không phù hợp với truyền thống, quy định pháp luật cũng như những hình ảnh liên quan đến quốc gia, khi vận dụng, đều phải cẩn thận.
“Việc tình hình thời sự liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia thường xuyên được cập nhật trên nhiều phương tiện truyền thông chính thống sẽ giúp giới trẻ nhận biết, phát hiện và có hướng xử lý kịp thời những tài liệu phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”, anh Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Nhiều chuyên gia, luật sư khuyến cáo, các bạn trẻ có thể sử dụng “quyền lực mềm” để tẩy chay những bộ phim, cuốn sách… có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông. Thêm nữa, mỗi bạn trẻ cũng cần tự trau dồi thông tin, sự hiểu biết để có phát hiện kịp thời, cảnh tỉnh cơ quan chức năng xử lý các sai phạm. Một số bạn trẻ nên chấm dứt kiểu làm “anh hùng bàn phím” với những phát ngôn có tính “ăn theo, nói leo”, thiếu định hướng…
Để giúp các bạn trẻ có được những hình ảnh tích cực trong mắt bạn bè quốc tế, chị Lê Mộng Thoa, một hướng dẫn viên du lịch chuyên về thị trường Đông Bắc Á, cho biết: “Khi họp đoàn, mình thường chia sẻ một vài câu chuyện liên quan đến một số người Việt xấu xí (nói to, thậm chí trộm cắp tại siêu thị) để mọi người hiểu hơn và có cách hành xử chuẩn mực. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thể diện của quốc gia, chứ không gói gọn đối với cá nhân mỗi du khách Việt”.