Vấn đề nổi bật được báo giới quan tâm là tình hình tín dụng đen, cho vay lãi suất cao qua App. Trả lời giải pháp trước tình hình này, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM Nguyễn Thế Lâm cho hay: hoạt động tín dụng đen những năm qua rất phức tạp. Công an TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, điều tra, xử lý; nhiều loại hình cho vay, đòi nợ theo kiểu truyền thống như tạt sơn có giảm.
Tuy nhiên, gần đây, các đối tượng chuyển sang hướng viết các phần mềm, ứng dụng (App) được cài đặt trên điện thoại thông minh, người vay có thể kết nối, thủ tục vay rất đơn giản. Theo đó, người vay chỉ cần cầm điện thoại, cài đặt App vào là có hướng dẫn về cách khai thông tin, vay tiền; sau khi được kiểm tra, xác minh thông tin là được cho vay. Thông thường cho vay một lần không nhiều, dưới 2 triệu đồng, nhưng lãi suất cao, lên đến 1% - 5%/ngày. Trước khi cho vay, người vay bắt buộc phải khai thông tin cá nhân, cho truy cập, đồng bộ danh bạ điện thoại. Khi người vay không trả, các đối tượng này đòi nợ trực tiếp những người có trong danh bạ, nhiều người không quen cũng bị khủng bố dưới nhiều cấp độ.
Trước tình trạng này, Công an TPHCM điều tra, xác minh và xử lý 5 vụ tín dụng đen qua App, trong đó đã chuyển cho viện kiểm sát truy tố 1 vụ và tiếp tục điều tra 4 vụ khác. Trong 5 vụ này, đối tượng cho vay chủ yếu là người Trung Quốc, công an đã bắt 12 người Trung Quốc, còn 1 người đang bị truy nã. Chỉ riêng 1 vụ án đã khởi tố, các đối tượng cho khoảng 60.000 người vay với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 40 tỷ đồng.
Về nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen qua App, ông Nguyễn Thế Lâm cho biết, các đối tượng cho vay luôn tìm mọi cách tạo ra phương thức, thủ đoạn mới để phạm tội. Bên cạnh đó, số ít người dân có nhu cầu vay chính đáng nhưng không có khả năng trả nợ, nhiều người khác thì có ý định vay mà không trả hoặc không có nhu cầu chính đáng. Để hạn chế sa vào tín dụng đen, Công an TPHCM đề nghị người dân cần cảnh giác với hình thức cho vay qua App. Công an TPHCM cũng đề nghị ngân hàng cần cải tiến thủ tục cho vay đơn giản, gọn nhẹ để người dân tiếp cận, đỡ mắc bẫy tín dụng cao.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời về đơn giá dịch vụ chống ngập tại TPHCM được đề xuất là 3.668 đồng/m²/tháng và liệu người dân có phải trả phí này hay không? Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết thông tin, việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn TPHCM nhằm thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước và giao các công ty tư nhân thực hiện. Để thực hiện việc này phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập. Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM khẳng định: “Thành phố khẳng định cần sự đồng hành của người dân, nhưng TP sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này. Cho nên, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập”. Trả lời câu hỏi về hiệu quả của các công trình chống ngập vừa đưa vào sử dụng, vì sao TPHCM vẫn bị ngập trên nhiều tuyến đường, ông Huỳnh Thanh Khiết lý giải, TPHCM có hàng loạt dự án chống ngập đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện trong trung tâm TP còn các vùng ven thì chưa xử lý triệt để.
Về vấn đề có nên đầu tư thiết bị siêu âm khám bệnh cho cây xanh để tránh chặt bỏ hàng loạt cây xanh, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho hay không có kế hoạch trình TPHCM đầu tư trang thiết bị này. Bởi, hiện nay vẫn chưa chứng minh được khả năng và hiệu quả cụ thể của các trang thiết bị siêu âm, khám bệnh cho cây xanh. Việc cắt tỉa cây xanh vẫn dựa vào quan sát, kiểm tra thực tế và tỉa cắt tùy theo mức độ cây bị xâm hại. Sở Xây dựng không có chủ trương đốn hạ hàng loạt cây xanh ở sân trường và đã có công văn phối hợp với các sở liên quan để kiểm tra cây xanh ở trường học, bệnh viện… từ đó có biện pháp cắt tỉa, chống đỡ, không đốn hạ cây hàng loạt.