Nhiều trẻ em mắc SXH nặng
Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một trường hợp bé gái L.M.Y. (28 ngày tuổi, ngụ Cà Mau) được chuyển đến từ BV địa phương do mắc SHX nặng.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhi sốt cao 3 ngày, nôn ói, ọc sữa 4 - 5 lần/ngày, tiêu phân sệt có lẫn ít máu, lừ đừ, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết da... Khi đến BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ chẩn đoán trẻ SXH nặng, tổn thương gan và rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa.
Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, bú được, tỉnh táo. Đây là trường hợp SXH ở trẻ sơ sinh biểu hiện tổn thương gan nặng hiếm gặp được cứu sống.
Trước đó, một bé trai khác (22 tháng tuổi, ở Tây Ninh) mắc SHX nặng cũng được chuyển đến BV Nhi đồng Thành phố. Tại Khoa Hồi sức tích cực của BV, bác sĩ nhận thấy bệnh nhi bụng phình to, phổi tràn dịch. Các bác sĩ khẩn trương đặt ống giúp thở máy, pha truyền vận mạch và dùng dung dịch đại phân tử, truyền máu, chọc dò ổ bụng... để bảo toàn mạch huyết áp cho bệnh nhi.
Sau 7 ngày chạy đua giữ lại tính mạng, các cơ quan gan, thận của bệnh nhi dần hồi phục. Đến ngày 23-9, bệnh nhi đã tỉnh táo, ổn định sức khỏe và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố cho biết, một tháng qua, đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi từ sơ sinh đến 13-14 tuổi mắc SXH nặng. Trong đó có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc SXH và nguy hiểm đến tính mạng.
Những trẻ có nguy cơ sốc cao nhất là trẻ dư cân, béo phì. Đơn cử, chỉ một tuần giữa tháng 9, BV đã tiếp nhận liên tiếp 5 trẻ em thừa cân, béo phì bị SXH. Có nhiều trẻ mới 9-10 tuổi nhưng đã nặng 51-55kg. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trẻ sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau mình mẩy, ói mửa, đau bụng, tay chân lạnh, mệt... Một số trẻ bị rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, tổn thương gan, thận... Sau 1 tuần điều trị, tình trạng các trẻ ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo.
“Việc điều trị cho trẻ dư cân, béo phì gặp nhiều khó khăn bởi các em này có nguy cơ suy hô hấp sớm, phải điều chỉnh dịch truyền theo cân nặng của trẻ, tránh truyền dịch quá tải, dễ dẫn đến sốc kéo dài biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận một số trường hợp vừa mắc Covid-19 vừa mắc SXH.
Đơn cử như bé gái P.T.C.T. (6 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh). Theo người nhà, sau khi phát hiện dương tính qua test nhanh Covid-19, bệnh nhi được cách ly tại nhà cùng gia đình. Ngày thứ 9 bệnh nhi sốt cao liên tục, thở khó, người mệt lả. Tưởng Covid-19 trở nặng, gia đình đã đưa bé đến BV Nhi đồng Thành phố cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhi có biểu hiện bứt rứt, mạch nhanh nhẹ không bắt được, huyết áp tụt sâu không đo được. Test nhanh, bệnh nhi âm tính với Covid-19 và kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dengue gây SXH.
Bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc sâu, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết dạ dày, tràn dịch ổ bụng và màng phổi, suy hô hấp, tổn thương gan; được đặt ống nội khí quản, chọc màng bụng, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch đại phân tử, truyền máu và liên tục hỗ trợ hồi sức tích cực. Hơn 20 ngày nỗ lực, y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã cứu sống bệnh nhi, hồi phục kỳ diệu chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng nặng bởi SXH.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, các triệu chứng của SXH như sốt, đau mỏi cơ... rất dễ nhầm lẫn với Covid-19, hoặc cùng lúc trẻ có thể mắc cả 2 loại virus. Thời gian qua, BV Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận và điều trị hơn 5 trẻ vừa nhiễm Covid-19 vừa bị SXH. Các triệu chứng thông thường của SXH là sốt cao đột ngột 2 ngày đầu, ngày thứ 3 có thể xuất huyết ở những vùng da mỏng như mặt, mặt trong cánh tay, cổ... Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong.
“Phụ huynh khi thấy con em mình sốt trên 2 ngày, nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu chân răng... cần đưa ngay trẻ đến BV để được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện, Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng 2 khuyến cáo, mùa dịch có nhiều phụ huynh e ngại đưa con đến khám bệnh, dẫn đến trẻ mắc SXH bị chuyển nặng mà không biết. Do đó, phụ huynh cần trang bị kiến thức để có thể nhận biết các dấu hiệu trẻ mắc SXH chuyển nặng để đưa đến BV kịp thời. Nếu trẻ sốt cao trên 3 ngày cần nghĩ đến SXH và có triệu chứng đau bụng, nôn ói nhiều, mệt, tay chân lạnh, chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, nổi phát ban... cần đưa đến BV cấp cứu ngay. Đặc biệt, không tự ý truyền dịch tại nhà bởi việc này cực kỳ nguy hiểm.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn - trung gian truyền bệnh SXH phát triển. Nếu không có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời. |