Tại hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật vừa được tổ chức cuối tuần qua, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) từ năm 2019 đến năm 2021 lên 5 -10 bậc, trong đó năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc.
Đây là bước đi quan trọng góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh.
Bộ Tư pháp đã ban hành tài liệu hướng dẫn bước đầu các bộ, cơ quan, địa phương về nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2019, nêu rõ một số định hướng giải pháp cần thực hiện để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật trên tinh thần hướng đến ngày càng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu đã liệt kê 5 loại chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình hoạt động, bao gồm chi phí: thủ tục hành chính; đầu tư; phí và lệ phí; cơ hội; không chính thức.
Theo ông Phan Đức Hiếu, để cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ theo nghĩa rộng, thì phải giảm cả 5 loại này, chứ không phải theo nghĩa hẹp là chỉ có 3 loại chi phí đầu tiên.
Về phía cơ quan nhà nước, khi soạn thảo quy định pháp luật, cần luôn tư duy rằng luật pháp rất “đắt đỏ”, 1 chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Chính vì thế, có 2 câu hỏi cốt yếu luôn cần được đặt ra và trả lời: “Liệu có cách thức nào rẻ hơn mà vẫn đạt mục tiêu quản lý không?” và “Liệu có cách thực hiện nào nhanh hơn mà đỡ tốn kém hơn không”?
Chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự khuyến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp cần quyết liệt hơn nữa trong việc yêu cầu các cơ quan soạn thảo tiến hành đánh giá tác động thực chất, có chất lượng trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo quy định pháp luật.
Đặc biệt, các báo cáo rà soát, thẩm định, thẩm tra dự thảo cần phải chú ý tới các chi phí tuân thủ pháp luật “ẩn” trong các dự thảo như các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thuế và các khoản có tính chất thuế, chi phí thời gian, chi phí cơ hội.
Quả thực, những chi phí “ẩn” là vô cùng lớn mà lại không thể đo đếm, gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với hơn 100 doanh nghiệp bất động sản do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hồi tuần trước, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, than thở rằng, nhiều lúc bà “muốn tự tử vì thủ tục hành chính”.
Chủ tịch Công ty Luật Basico, Luật sư Trương Thanh Đức, sau đó bình luận: “Về thủ tục hành chính, doanh nghiệp chỉ mới kêu một phần vì sợ chính quyền. Thực tế còn khủng khiếp hơn!”.
Vẫn theo ông Đức, các lĩnh vực về xây dựng, đất đai, quản lý chất lượng tiêu chuẩn, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh... thì càng dễ “hành”.
Còn báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 vừa công bố cho thấy, chi phí không chính thức tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao: 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí “bôi trơn”…
Chính vì thế, lời nhắc nhở của Thủ tướng Chính phủ mới đây về việc phát hiện, xử lý hiện tượng “gói ghém” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, công chức vào trong thủ tục hành chính là hoàn toàn xác đáng. Quy trình xây dựng văn bản pháp luật và kiểm soát văn bản pháp luật cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi một cách quyết liệt. Và nhiệm vụ này có vai trò hết sức quan trọng của chính Bộ Tư pháp.