Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 200 triệu chứng đã được ghi nhận ở những người khỏi Covid-19 và các triệu chứng này kéo dài từ 2 tháng đến hơn 1 năm. Ước tính có khoảng 10%-20% người mắc Covid-19 gặp các vấn đề sức khỏe trong trung hạn hoặc dài hạn do căn bệnh này. Trong số đó, mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức là phổ biến nhất. Những trường hợp nghiêm trọng hơn như tổn thương các cơ quan thận, phổi, tuyến tụy và tim cũng làm tăng nguy cơ tử vong hậu Covid-19.
Theo trang medicalxpress.com, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, kể cả những người mắc Covid-19 nhẹ vẫn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch và não một năm sau khi khỏi Covid-19. Tiến sĩ Siddharth Singh, Giám đốc Khoa tim mạch hậu Covid-19 tại Viện Tim mạch Smidt ở Los Angeles (Mỹ), nhận định các triệu chứng về tim mạch và não hậu Covid-19 đã ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người.
Hiện tại không có loại thuốc nào để điều trị triệu chứng Covid-19 kéo dài mà chỉ điều trị theo từng loại triệu chứng. Bên cạnh đó, các trung tâm phục hồi chức năng, các nhóm hỗ trợ có thể giúp mọi người cải thiện chất lượng cuộc sống hậu Covid-19.
Bên cạnh việc tiêm chủng sẽ làm giảm triệu chứng Covid-19 kéo dài, theo các chuyên gia, nếu dùng thuốc điều trị Covid-19 kịp thời sẽ góp phần làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng kéo dài.
Tại Đại học Chicago ở Illinois (Mỹ), bác sĩ Ayodeji Adegunsoye đã quan sát thấy sự gia tăng khả năng xơ hóa phổi ở bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện và dùng oxy. Hiện ông đang thử nghiệm một loại thuốc gọi là sirolimus - một loại thuốc ức chế miễn dịch đôi khi được dùng cho những người ghép tạng - ở những trường hợp này với hy vọng rằng nó sẽ ngăn chặn sự di chuyển của các tế bào thúc đẩy quá trình xơ hóa ở phổi.