Một buổi sáng chủ nhật, anh Hòa (ngụ quận 3, TPHCM) nhận được điện thoại từ số 0703183475, giọng nữ tự giới thiệu là điều tra viên Phạm Thùy Linh, gọi từ Phòng Cảnh sát điều tra kinh tế TPHCM(?!). Người này nói anh Hòa ngay trong chiều hôm đó mang CMND đến số 268 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TPHCM) để làm việc. Anh Hòa gằn giọng hỏi lại: “Làm việc về cái gì?”, thì người này nói: “Bộ Công an vừa phát cho chúng tôi một gói bưu phẩm, yêu cầu gặp anh để xác minh một số việc. Anh có quen ai là Nguyễn Văn Nam không?”.
Nghe đến đây, anh Hòa liền cảnh giác, trả lời: “Tôi không biết”. Người này nói tiếp: “Cơ quan công an chúng tôi bắt giữ đối tượng tên Nguyễn Văn Nam, khám xét trong nhà có thu giữ một số CMND và thẻ ngân hàng, trong đó có tên anh. Đề nghị anh lên gặp chúng tôi ngay chiều nay để làm việc”. Nghe đến đây, anh Hòa biết đầu dây bên kia là đối tượng lừa đảo nên trả lời dứt khoát: “Không biết, không đi gặp theo lời mời làm việc qua điện thoại”. Biết không lừa đảo được, đối tượng này cúp máy. Sau đó, nhiều lần anh Hòa gọi lại thì bị chặn số điện thoại.
Trường hợp của chị Liên, ngụ phường Đa Kao (quận 1) lại khác. Một đối tượng lấy hình đại diện của chị Nga (bạn chị Liên, đang nằm điều trị bệnh tại bệnh viện), tạo một tài khoản mới rồi nói chuyện với chị Liên về tình hình sức khỏe và những khó khăn đang gặp phải; trong đó có việc đang cần tiền đăng ký vé máy bay cho người nhà từ quê vào chăm sóc. Tin lời, chị Liên hỏi số tài khoản và chuyển 4 triệu đồng cho đối tượng này để thanh toán vé máy bay. Ngày hôm sau, chị Liên gọi điện thoại hỏi chị Nga thì mới biết mình đã bị lừa. “Chỉ thiếu cảnh giác một chút là tôi bị mất tiền một cách dễ dàng”, chị Liên nói.
Các thủ đoạn lừa đảo cũng ngày càng tinh vi. Trên Facebook vừa chia sẻ về câu chuyện cô giáo K.N., ngụ phường 14 (quận Gò Vấp) trở thành nạn nhân của chiêu trò giả danh nhà mạng “nâng cấp sim”, bị mất gần 350 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Cô K.N. kể: “Vào ngày 11-2, khi tôi đang giảng trên lớp thì có điện thoại gọi đến từ số 02899962626. Người gọi nói là nhân viên của Mobifone, liên lạc để kiểm tra và nâng cấp sim lên 4G. Tôi tin tưởng vì người này nói đúng thông tin cá nhân, từ ngày sinh, số CMND, đến ngân hàng giao dịch. Sau chưa đầy 1 phút trò chuyện, người đàn ông cho biết sẽ gửi một mã số đến thuê bao và đề nghị đọc kiểm tra. Sau đó, tôi thấy một dãy số được gửi về số điện thoại và đọc số đó cho người này.
Điện thoại vừa cúp, tôi nhận được tin nhắn của tổng đài Mobifone với nội dung cảnh báo: Bảo mật mã OTP để tránh lừa đảo chiếm đoạt sim. Thấy nghi, tôi liền truy cập vào tài khoản ngân hàng trên điện thoại nhiều lần nhưng không kết nối được. Ra cây ATM kiểm tra tài khoản, tôi thấy gần 350 triệu đồng đã bị chiếm đoạt”. Bất ngờ hơn, khi đến đại lý Mobifone kiểm tra, cô K.N. phát hiện sim điện thoại của mình đã đổi thành eSim MyMobifone. Đối tượng lừa đảo đã dùng sim này để thực hiện các bước nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của cô K.N.
Còn nhiều chiêu trò lừa đảo khác, và các “con mồi” thường là phụ nữ, người lớn tuổi. Các chuyên gia cảnh báo, không chỉ mất tiền, người dân có thể bị mắc nợ, vì sau khi chiếm đoạt sim điện thoại, các đối tượng sẽ lấy thông tin người dùng để vay tiền, sử dụng thẻ tín dụng hoặc tham gia chương trình trả sau của ví điện tử, hoạt động đa cấp… Cơ quan công an khuyến cáo: Để các đối tượng không có cơ hội lừa đảo, đề nghị người dân hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân khi truy cập Internet và tham gia mạng xã hội, xác minh thông tin cụ thể trước khi thực hiện các giao dịch qua Internet và mạng xã hội; thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý khi có vụ việc lừa đảo xảy ra.