Sau trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, hiện các đối tượng lừa đảo nhanh chóng áp dụng chiêu thức khác tinh vi hơn, thông qua cuộc gọi video giả mạo nhờ công nghệ Deepfake.
Đánh lừa người dùng
Sau gần một tuần bị lừa mất số tiền gần 100 triệu đồng, anh N.C.P. (SN 1990, ngụ TP Thủ Đức) dần hiểu tường tận việc mình “sập bẫy”. Anh kể, ngày 23-3, anh nhận được tin nhắn của người thân tên Th. (đang sống ở nước ngoài) qua Facebook, hỏi mượn số tiền gần 100 triệu đồng.
“Tôi cẩn thận gọi cuộc gọi video để xác tín, thấy ảnh và giọng nói của Th., cho biết đang cần tiền gấp và sẽ gửi lại vào hôm sau. Tin tưởng là người thân mình, tôi liền chuyển tiền”, anh P. cho biết. Về nhà, anh tá hỏa khi nhận thông báo tài khoản Facebook của Th. đã bị kẻ gian chiếm đoạt, gửi tin nhắn hỏi bạn bè, người thân vay tiền. Anh P. gọi video ngay cho Th. thì vẫn bắt máy, vẫn là khuôn mặt, giọng nói của Th., nhưng âm thanh rất khó nghe, hình ảnh nhòe mờ… Anh P. tiếp tục gọi số điện thoại di động thì mới rõ sự tình, hình ảnh của anh Th. đã bị các đối tượng cắt ghép để lừa đảo.
Công an TPHCM cho biết, gần đây nở rộ phương thức gọi điện cho người dân báo là “có con, bạn bè, người thân… cấp cứu ở bệnh viện, phải chuyển tiền”. Với phương thức này, các đối tượng nhắm vào tâm lý sốt ruột, mất bình tĩnh của phụ huynh. Chỉ trong đầu tháng 3-2023, nhiều phụ huynh ở TPHCM và một số tỉnh thành bị “sập bẫy” và chuyển hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo. Công an TPHCM đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác, tích cực điều tra, xác định đây là tội phạm không biên giới, có gắn kết với người nước ngoài.
Giữa tháng 3-2023, chị C.T.N.Y. (SN 1996, ngụ quận 8) cũng bị lừa bằng kịch bản tương tự, số tiền còn lớn hơn. Chị cho hay, đang làm việc ở công ty thì nhận được tin nhắn của bạn thân qua Facebook, mượn 150 triệu đồng để thanh toán tiền đáo hạn ngân hàng. Do biết những cảnh báo lừa đảo trước đó, chị Y. gọi video qua mạng để kiểm chứng. Thấy video hiện lên hình ảnh khuôn mặt bạn thân nhưng khá mờ, âm thanh chập chờn, chị Y. liền thắc mắc; người này trả lời “đang ở vùng sóng yếu”. Chị Y. tin tưởng, chuyển lần đầu 50 triệu đồng vào số tài khoản theo yêu cầu, gọi video thông báo cho bạn biết trước khi thực hiện chuyển nốt số tiền còn lại. Cuối ngày, không thấy bạn chuyển trả tiền mượn, chị Y. gọi lại nhưng tài khoản không tồn tại. Chị gọi tiếp bằng số điện thoại thì cả hai mới biết tài khoản Facebook trên đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Nhiều hệ lụy
Thời gian gần đây, công an một số địa phương như TP Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang,… liên tiếp phát cảnh báo về chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng lợi dụng công nghệ Deepfake. Tuy nhiên, ngoài mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã khá phổ biến; việc dùng Deepfake để dựng các hình ảnh, video, lời nói giả mạo người nổi tiếng, các chính trị gia vào mục đích xấu cũng không còn hiếm. Trên thế giới, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ và ngay cả người sáng lập ra mạng xã hội Facebook là Mark Zuckerberg cũng đã bị “tấn công” bằng Deepfake. Ở Việt Nam đã xuất hiện tình trạng nhiều ca sĩ, người nổi tiếng bị tin tặc dùng công nghệ Deepfake để lừa đảo người tiêu dùng thông qua các chiêu trò quảng cáo bán hàng trực tuyến.
Đồ họa: GIA QUẢNG - NGỌC TRÂM |
Nguy hiểm hơn, trên một số kênh chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, đã xuất hiện những hình ảnh, video, âm thanh, lời nói giả mạo từ ứng dụng Deepfake tuyên truyền những vấn đề trái với pháp luật Việt Nam; thậm chí bịa đặt trắng trợn về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Những nội dung này được phát tán khá nhiều qua nền tảng YouTube và Facebook, nhưng với rất nhiều người dân, khó có thể phân biệt được thật - giả.
Ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cho biết, có nhiều công cụ hỗ trợ các đối tượng tạo video Deepfake. Tới đây, khi tội phạm mạng tại Việt Nam biết nhiều hơn các cách đánh cắp video và hình ảnh, cắt ghép, dùng những công cụ được hướng dẫn trên mạng để tạo Deepfake, thì đó là lúc diễn ra một làn sóng lừa đảo thế hệ 4.0, khiến nhiều người lâu nay rất khó bị lừa cũng dễ trở thành nạn nhân.
MC - Diễn viên Quyền Linh: Mong cơ quan pháp luật vào cuộc quyết liệt
Tôi đã nhiều lần lên tiếng bức xúc về việc hình ảnh của mình bị sử dụng trái phép, tràn lan để quảng cáo cho các loại thuốc khác nhau, từ trị xương khớp, ung thư, gan, thận, trĩ, hạ đường huyết đến hôi nách, yếu sinh lý, tiểu đường… Thậm chí có những trường hợp hình ảnh của tôi bị sử dụng để quảng cáo bán hàng không chỉ trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Suốt hơn 2 năm qua, luật sư đại diện của tôi đã thu thập được hơn 2.000 thông tin quảng cáo sai sự thật sử dụng hình ảnh của tôi. Có những ngày công ty quản lý của tôi xóa đến vài trăm tin nhắn quảng cáo rác. Đây là công việc vô cùng khó khăn vì mạng xã hội là ảo, các quảng cáo này đều không phép. Cũng có trường hợp tôi phát hiện ra thủ phạm, nhưng họ chỉ là người bán lẻ hoặc giao hàng, không có địa chỉ nên không thể xử lý.
Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý tận gốc vấn đề, tìm ra những người quảng cáo ảo trái phép. Và, phải có những trường hợp bị xử lý nghiêm khắc để làm gương.
VĂN TUẤN
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH - Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM: Bức xúc nhưng biết tìm họ ở đâu?
Từ năm 2017 đến nay, hình ảnh của tôi đã bị nhiều trang mạng xã hội mạo danh, sử dụng không phép để phục vụ cho mục đích quảng cáo sản phẩm của họ; lúc thì quảng cáo bán thuốc đau lưng, khi thì thuốc nam khoa, mới nhất là thuốc tăng trưởng chiều cao mặc dù tôi là bác sĩ chuyên nhi khoa. Nhiều người thấy tôi tư vấn, liền hỏi han tôi để mua sản phẩm sử dụng, tôi chỉ biết trả lời đó không phải là tôi.
Những lúc phát hiện bị mạo danh, tôi đã phải cảnh báo trên trang cá nhân của mình để tránh trường hợp các bậc phụ huynh tưởng thật, đi mua về cho trẻ dùng thì hậu quả khó lường. Không chỉ cá nhân tôi bị mạo danh, mà trang Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” mà tôi lập ra để tư vấn cho phụ huynh cũng được nhân bản giả rất nhiều. Bức xúc lắm nhưng biết tìm họ ở đâu?
THÀNH AN