Theo Cục Quản lý cạnh tranh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), gần đây có nhiều người tiêu dùng bị các đối tượng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn rất tinh vi, cần được người tiêu dùng nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình. Phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng là sử dụng số điện thoại bất kỳ (sim rác) để phát tán nội dung lừa đảo.
Mặc dù hành vi lừa đảo này đã được cảnh báo, tuyên truyền đến người tiêu dùng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo đã thay đổi phương thức, thủ đoạn là giả mạo tin nhắn, cuộc gọi thương hiệu - Brand Name của các ngân hàng, công ty điện lực… Nguy hiểm hơn là các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Đáng quan ngại hơn, trong nội dung tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng, tổ chức…) nên người dùng dễ lầm tưởng, mất cảnh giác. Khi người dùng truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, tổ chức và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…. Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online…
Trước đó, vào cuối tháng 6-2021, nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng cảnh báo khách hàng về những chiêu lừa đảo trong mua sắm online mùa dịch. Cụ thể, theo nhà bán lẻ này, thủ thuật chung của các đối tượng lừa đảo là gửi link đường dẫn có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người dân nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân. Dù thủ thuật này không mới và đã xuất hiện cách đây vài năm nhưng do bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng cao nên vẫn có người dân mất cảnh giác và bị lừa. Trong khi đó, nhà bán lẻ này không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân cần phải bảo mật như mật khẩu Facebook, mật khẩu ngân hàng... khi mua sắm trên các trang online của mình.
Trước vấn nạn trên, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, khi nhận được những tin nhắn như trên, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng, tổ chức… để phát hiện các tin nhắn giả mạo và không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn. Ngoài ra, khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người tiêu dùng có thể gọi điện trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, doanh nghiệp… để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn và phản ánh các tin nhắn giả mạo tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.
Theo các chuyên gia, đối với cuộc sống hiện đại, các thông tin cá nhân như mật khẩu ngân hàng, mật khẩu tài khoản mạng xã hội hết sức quan trọng và cần từng cá nhân tự bảo mật cao, không tùy tiện cung cấp cho các trang web, link lạ chưa rõ nguồn gốc. Chỉ cần sơ suất nhỏ, các tài khoản cá nhân sẽ bị bọn xấu chiếm dụng, mạo danh để tiến hành nhiều thủ đoạn xấu nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mang lại nhiều hệ lụy không nhỏ. Do vậy người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi nhận được tin nhắn lạ, khi mua sắm online cần lựa chọn những trang website uy tín và mua sắm tại những website được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức https).