Thực tế là không chỉ người lớn tuổi dễ rơi vào bẫy mà cả nhiều người trẻ, chủ doanh nghiệp cũng trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Mới đây, một chủ doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn (TPHCM) đã đăng trên trang cá nhân, cảnh báo về việc mình bị lừa mất 2,4 tỷ đồng.
Những kẻ lừa đảo đã mạo danh cán bộ ngành thuế và chủ doanh nghiệp đã hợp tác với “cán bộ ngành thuế” để bổ sung hồ sơ thuế qua mạng. Sau khi cài đặt 2 ứng dụng vào điện thoại cùng nhiều thao tác khác, 2,4 tỷ đồng trong tài khoản đã bị “bay màu”. Trường hợp khác, một sinh viên bị hù dọa có lệnh bắt giữ do liên quan đến đường dây lừa đảo nên đã làm theo kịch bản của kẻ lừa đảo, xin gia đình chuyển khoản tổng số tiền 1,1 tỷ đồng...
Còn nhiều hình thức lừa đảo khác đánh vào tâm lý người dân trong những ngày cận tết như: đổi tiền lẻ qua mạng xã hội, các chương trình “khuyến mãi tết”, “vé xe tết giá rẻ”, “vé máy bay ưu đãi”, lừa đảo việc làm… Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lừa đảo qua mạng đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân, ước tính lên đến 18.900 tỷ đồng trong năm 2024. Cũng theo hiệp hội này, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có 1 người trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Với các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần chủ động nâng cao cảnh giác và trang bị kiến thức về an ninh mạng. Chúng ta có thể tham khảo và thực hành quy tắc “6 không” mà Bộ Công an đã đưa lên ứng dụng VNeID để cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và bảo vệ người dùng an toàn trên không gian mạng.
Trong đó, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng không quen biết, rà soát kỹ thông tin trước khi giao dịch chuyển tiền; không kết bạn, nói chuyện với người lạ; không truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc; không cán bộ cơ quan nhà nước nào gọi điện điều tra qua điện thoại hay yêu cầu đóng tiền; tuyệt đối không chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào; không tham lam tài sản, món quà không rõ nguồn gốc...