Để đảm bảo an toàn, các cấp chính quyền và ngành phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM cần tập trung cao độ vào thời điểm này, nhất là khu vực Nam bộ đang vào cao điểm mùa khô.
Cảnh sát PCCC TPHCM nhắc nhở người dân khắc phục các tồn tại về PCCC, hướng dẫn người dân sử dụng bình CO2
Nguy cơ cao
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn số 31 đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đây được xem là yêu cầu tích cực nhằm góp phần loại bỏ tập tục, tín ngưỡng gây lãng phí trong mùa lễ hội và dễ xảy ra cháy. Dù vậy, những ngày qua, tại nhiều quận huyện ở TPHCM, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra khá phổ biến. Không chỉ xuất hiện ở các đình, chùa, người dân còn đốt vàng mã ở ngay nơi ở, khu trọ, xưởng sản xuất…
“Việc đốt vàng mã trong những ngày đầu năm đã tồn tại khá lâu trong tín ngưỡng của người Việt. Năm nào cũng vậy, khi khai trương xưởng sản xuất, vợ chồng tôi có làm mâm cơm cúng và đốt vàng mã ngay trước xưởng để cầu mong một năm mới làm ăn phát tài, nhiều lộc”, anh Trương Công Tuấn, chủ cở sở sản xuất bao bì trên đường Tân Hòa Đông (quận 6) cho biết. Có mặt tại xưởng của anh Tuấn vào chiều mùng 8 tết, chúng tôi thấy nguy cơ cháy ở đây rất cao, cạnh thùng đốt vàng mã đang bốc lửa cao còn có những bao bì chất đống và mùi dầu máy tỏa ra nồng nặc. Giống như anh Tuấn, nhiều người làm nghề thu mua ve chai ở hẻm C3 Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) cũng mua vàng mã về đốt để… khởi động mùa làm ăn mới trong năm. Nhiều trường hợp còn đốt vàng mã ngay trong phòng trọ chật hẹp, cạnh bếp gas, xe máy… rất dễ dẫn đến cháy nổ.
Ở một số xã phường ở các quận ven, huyện ngoại thành như xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), phường Long Trường (quận 9)… có tổ chức các hội thi nấu ăn, khu vui chơi lô tô, triển lãm, khuyến mãi mua hàng giảm giá đầu năm nhưng bỏ qua các quy định về PCCC, thoát nạn. Cụ thể, các sạp hàng tự ý câu mắc điện tràn lan, không trang bị bình chữa cháy tại chỗ; tại những quầy hàng ăn uống, chủ quầy không khóa van bình gas khi không nấu, để khí gas rò rỉ ra ngoài. Chưa hết, trên lối đi cũng là lối thoát hiểm lại để hàng hóa bít kín. Dưới đất, rác thải, giấy báo tràn lan, người tham quan vô tư hút vứt tàn thuốc lá. Đáng lo ngại hơn, những nơi diễn ra lễ hội, khu vui chơi đầu xuân ở vùng ven thành phố thường thiếu hoặc không có trụ nước cứu hỏa; do đó, khi có cháy xảy ra, việc chữa lửa sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, mùa lễ hội đầu năm là thời điểm nguy cơ cháy gia tăng cao nhất trong năm, bởi lúc này thời tiết Nam bộ đang hanh khô, thêm việc người dân tham gia các lễ hội sử dụng nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thống kê qua các năm gần đây cho thấy, số vụ cháy trong quý 1 luôn nhiều hơn so với các quý còn lại trong năm. Không ít sự cố đã gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người và tài sản.
Tăng cường giám sát
Từ thực tế trên, Cảnh sát PCCC TPHCM khuyến cáo, hơn lúc nào hết, ngay lúc này người dân cần nâng cao ý thức, cảnh giác đối với cháy nổ. Theo đó, cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC, thoát nạn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dù là những quy định đơn giản nhất. “Cháy nổ không loại trừ một ai, chỉ mắc sơ sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn. Do đó, mọi người hãy thực hiện tốt nhất các điều kiện đảm bảo an toàn cháy nổ ở mọi lúc mọi nơi; ra khỏi nhà phải ngắt điện, khóa van gas; không đốt vàng mã, đốt giấy gần những nơi dễ bén lửa như xe máy, bình gas, bếp nấu, nơi có hệ thống dây dẫn điện, tủ điện…”, một cán bộ Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Phòng 2) - Cảnh sát PCCC TPHCM - lưu ý.
Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, để đảm bảo an toàn cháy nổ trong mùa lễ hội, từ trước Tết Nguyên đán 2018 đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là phòng cảnh sát PCCC các quận huyện quán triệt đến cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát tại các đình, chùa, nơi diễn ra các khu lễ hội… để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC. Cảnh sát PCCC TPHCM cũng lưu ý các sở ngành, UBND các quận huyện khi cấp phép hoạt động, tổ chức các lễ hội, chương trình giải trí (cả trong nhà lẫn ngoài trời) cần đưa yếu tố đảm bảo PCCC vào điều kiện cấp phép; nếu điều kiện PCCC không đảm bảo, tuyệt đối không cấp phép để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Đại diện UBND các quận huyện: 7, 8, 12, Tân Phú, Bình Tân, Nhà Bè cho biết cũng đã chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp với cảnh sát PCCC mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm về PCCC tại những nơi diễn ra lễ hội, hoạt động vui chơi, giải trí đầu năm.