Cảnh giác biến chứng nguy hiểm của cúm mùa

Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm và nếu bệnh không được xử lý kịp thời, cúm nhẹ có thể trở nặng, bệnh nặng có thể diễn tiến phức tạp hơn, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng.

Ngày 7-2, trước tình hình bệnh cúm mùa có chiều hướng diễn biến phức tạp, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 910 trường hợp mắc cúm mùa và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Đặc biệt, qua giám sát dịch tễ cho thấy virus cúm không ghi nhận thay đổi về độc lực, virus gây bệnh vẫn chủ yếu là cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm mùa bị biến chứng nguy hiểm phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) và đây phần lớn là các trường hợp có bệnh lý nền, bệnh mãn tính và chủ quan khi mắc cúm.

Theo một số chuyên gia y tế, bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm. Nếu bệnh không được xử lý kịp thời, cúm nhẹ có thể trở nặng, bệnh nặng có thể diễn tiến phức tạp hơn, gây khó khăn và tốn kém trong điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng. Mùa Đông Xuân là thời điểm gia tăng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, với triệu chứng điển hình như sốt, ho, thở khò khè.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị bệnh nhân viêm phổi do cúm.jpg
Bệnh nhân cao tuổi mắc cúm có nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm

Có hơn 200 loại virus có thể gây viêm đường hô hấp trên, trong đó cúm là một trong những bệnh dễ lây lan nhất nên việc nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của cúm, hiểu cách lây truyền và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng.

Để phòng ngừa bệnh cúm gia tăng trong giai đoạn thời tiết mùa Đông Xuân, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn uống đủ chất dinh dưỡng; tăng cường vận động thể lực.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Tin cùng chuyên mục