Cảnh giác “bà Hỏa” dịp cuối năm

Càng về cuối năm, các hoạt động vui chơi, giải trí, giao thương hàng hóa tại TPHCM càng tăng cao; thế nhưng, việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) của một bộ phận lớn chủ cơ sở, doanh nghiệp, người lao động rất lơ là. Thực tế này đang làm gia tăng nguy cơ cháy nổ… 
Gia tăng vi phạm

Còn gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở đang bước vào giai đoạn nước rút, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí; vậy nhưng ở nhiều nơi, người dân, công nhân, thậm chí chủ doanh nghiệp lại “quên” thực hiện các quy định về PCCC. 

Tại cơ sở may gia công H.X trên Đường số 15, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), những ngày này luôn có trên 20 công nhân làm việc liên tục từ sáng đến tối nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn hàng cho thương lái ở các tỉnh. Để giao hàng đúng tiến độ, hiện chủ cơ sở đã tăng cường thêm 10 công nhân so với trước; tuy nhiên, hệ thống điện tại cơ sở không được chủ cơ sở nâng cấp. 

Dù số lượng máy may tăng, công suất tiêu thụ điện cũng nhiều hơn nhưng chủ cơ sở không cải tạo, thay mới đường dây truyền tải điện phù hợp, dẫn đến dây điện liên tục bị chập, cháy. 

“Tuần trước, dây điện nối máy may bị chập, cháy khét, lửa lan xuống đống vải nguyên liệu, may mà tụi em kịp thời lấy nước dập tắt. Nguy hiểm vậy nhưng không thấy ông chủ thay dây điện mới mà tận dụng lại dây điện cũ để nối lại nên tụi em vẫn lo”, Tuyết (quê Bình Định, công nhân của cơ sở may trên) cho biết. 

Chưa hết, bên trong cơ sở, các ổ cắm điện lắp thấp gần mặt sàn, đầu dây điện không có phích cắm mà cắm trực tiếp vào ổ điện nên thường xuyên bị xẹt tia lửa điện; trong khi đó vải vóc, quần áo bỏ ngổn ngang xung quanh, rất dễ xảy ra cháy lan… 
Cảnh giác “bà Hỏa” dịp cuối năm ảnh 1 Cảnh sát PCCC quận 11 tổ chức cứu nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy tại một khách sạn ở phường 14, quận 11
Ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, tình trạng vi phạm PCCC còn phổ biến hơn. Tại quận 8 và huyện Bình Chánh, hàng loạt quán ăn, nhà hàng, điểm karaoke như: B.Xuyên, V.Cát, T.Đông Hải… thường tồn tại các lỗi: trữ bình gas với số lượng lớn; tự ý câu mắc điện tràn lan; bình chữa cháy hết hạn, không bảo dưỡng; để vật dụng cản trở lỗi thoát hiểm; không lắp đèn, biển chỉ dẫn thoát hiểm; tái sử dụng bình gas mini nhiều lần…   Các vi phạm trên cũng diễn ra phổ biến ở nhiều nhà hàng tại các quận trung tâm TP.  Trên thực tế, đã có trường hợp nhà hàng, quán ăn xảy ra cháy mà nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của chủ quán, nhân viên. Vụ cháy xảy ra tại Khu liên hợp kinh doanh cà phê - karaoke - khách sạn (ở số 908 Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8) mới đây là một điển hình. Khoảng 19 giờ ngày 18-10, tại địa chỉ trên bất ngờ xảy ra cháy. Thời điểm này trong quán có hơn 60 người (cả nhân viên và khách). Nhiều người hoảng hốt, chen lấn chạy thoát ra ngoài; tuy nhiên, do lửa cháy lan nhanh nên một số trường hợp bị mắc kẹt tại tầng 2 và tầng 3. Cảnh sát PCCC TPHCM phải điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc các phòng cảnh sát PCCC quận 1, 8, 6 tiếp cận hiện trường và kịp thời cứu được 7 người mắc kẹt trong đám cháy. Kiểm soát nguồn lửa, nguồn nhiệt  Trước tình hình nguy cơ cháy nổ gia tăng vào thời điểm cuối năm, Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 (quản lý PCCC tại quận 1 và quận 10) cho biết, đã tham mưu UBND quận 10  triển khai đợt cao điểm kiểm tra PCCC đối với các cơ sở kinh doanh  dịch vụ giải trí tập trung đông người (như chợ, siêu thị…). Từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 12/36 cơ sở.  Nhìn chung, có nhiều cơ sở chấp hành tốt các quy định về PCCC nhưng vẫn còn một số trường hợp vi phạm như ở khách sạn Bảo Trân (phường 14, quận 10). Bên cạnh việc xử lý hành chính, Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 đã yêu cầu chủ khách sạn khắc phục các tồn tại: trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy đầy đủ; thường xuyên nhắc nhở khách hút thuốc, bỏ tàn thuốc đúng nơi quy định; ra khỏi phòng phải ngắt cầu dao điện; không bố trí hàng hóa cản trở lối thoát nạn…   “Đợt kiểm tra đang được đơn vị và các phòng ban liên quan của quận triển khai. Bên cạnh xử phạt nghiêm các vi phạm, chúng tôi còn phổ biến kiến thức PCCC cho chủ và nhân viên các cơ sở, khuyến cáo các vi phạm có nguy cơ gây cháy nổ cao…”, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 cho biết.  Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM thông tin, đơn vị đang yêu cầu phòng cảnh sát PCCC các quận, huyện tham mưu chính quyền địa phương triển khai các giải pháp PCCC.  “Vấn đề căn cơ nhất là phải làm thay đổi được ý thức của người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp trong việc PCCC. Thời điểm cuối năm hay xảy ra cháy, chủ yếu từ việc sử dụng điện không an toàn và bất cẩn trong đun nấu, thờ cúng, sinh hoạt. Để loại bỏ các nguy cơ cháy này, người dân cần kiểm soát tốt nguồn lửa và nguồn nhiệt, như không ủi đồ vào giờ cao điểm; tắt bếp, ngắt cầu dao điện khi ra khỏi nhà, không tự ý câu mắc điện; không tồn trữ chất dễ cháy (xăng dầu, gas, hóa chất…) trong nhà… Nếu làm tốt những lưu ý này, nguy cơ cháy nổ giảm mạnh”, Đại tá Lê Tấn Bửu khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục