* Nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Tạo ra những giá trị khác cho nông sản
Đối với nông nghiệp, cần xác định chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái trong giai đoạn mới, đó là chuyển từ số lượng sang chất lượng, chuyển từ sản xuất sang kinh tế, đa giá trị. Về khái niệm “chất lượng”, đối với quốc gia, lâu nay trong chuỗi giá trị, chúng ta biết khâu có lợi nhuận thấp nhất chính là khâu sản xuất. Nhưng bấy lâu nay, chỉ tập trung vào khâu sản xuất, làm để ăn, có dư mới bán. Cho nên trong giai đoạn mới, chúng ta cần phải phát triển mạnh hơn các khâu khác trong chuỗi giá trị. Ở châu Âu, họ cũng tính rằng, giá trị của khâu sản xuất chỉ chiếm độ 12-13% giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở các khâu khác. Bây giờ chúng ta phải đưa nông nghiệp tiến mạnh ở những khâu đó.
Khi tôi còn làm bộ trưởng, trong chuỗi giá trị cà phê, cách đây khoảng 10 năm, có nhà khoa học tính rằng, tổng giá trị các sản phẩm cà phê đến tay người tiêu dùng khoảng 100 tỷ USD, thì tổng giá trị của người trồng cà phê ở các nước trên thế giới chỉ được không quá 15 tỷ USD. Như thế, 85 tỷ USD rơi vào tay “người khác” mà lại ở các nước không thể trồng được cà phê. Trong chuỗi giá trị của thị trường nông sản thế giới, lâu nay chúng ta vẫn cố gắng làm để bán và vươn lên để xâm nhập những thị trường có giá trị cao. Nhưng để xâm nhập vào các thị trường này (như EU, Mỹ, Nhật…), chúng ta cần tạo ra những giá trị khác cho nông sản, không chỉ chất lượng mà còn có cả giá trị văn hóa, xã hội và đặc biệt là môi trường phát triển bền vững.
* Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai LƯU TRUNG NGHĨA: Sản xuất quy mô lớn, tập trung
Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai kỳ vọng vào Nghị quyết 19 sẽ gỡ khó, giúp ngành nông nghiệp bứt phá. Hiện đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chương trình hành động thực hiện theo Nghị quyết 19. Theo đó, về trồng trọt, sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, cao su, sắn, lúa gạo, cây ăn quả, rau an toàn, dược liệu… theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, bảo đảm năng suất, chất lượng. Sản xuất vùng nguyên liệu gắn với chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Về lâm nghiệp, sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.
* Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình ĐOÀN NGỌC LÂM: Nông thôn phải trở thành vùng quê đáng sống và tự hào
Nói đến cánh đồng là nói đến nông nghiệp. Nông nghiệp cùng với nông dân là 2 thành tố quan trọng, liên quan mật thiết và không thể tách rời trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Đất đai được quản lý tốt theo quy hoạch, kế hoạch và sử dụng hợp lý, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, nông thôn khởi sắc với hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trở thành vùng quê đáng sống và tự hào.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, đất đai manh mún. Vì vậy, cần phải số hóa công tác quản lý đất nông nghiệp, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị với công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đủ lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và DN.
* Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang TRƯƠNG KIẾN THỌ: Doanh nghiệp là đầu tàu thúc đẩy liên kết sản xuất
Hiện An Giang đã tổ chức lại sản xuất theo kinh tế hợp tác có sự tham gia chặt chẽ giữa người dân - hợp tác xã (HTX) - DN để người dân tăng lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời DN có vùng nguyên liệu xuất khẩu ổn định với giá cao. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thông qua sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng sản phẩm, tích hợp đa giá trị vào chuỗi liên kết người sản xuất - HTX - DN theo yêu cầu thị trường. Hiện ngành nông nghiệp An Giang đã thành lập được Tổ Phản ứng nhanh trong nông nghiệp của cấp tỉnh, huyện, xã, các cấp để tổ chức lại sản xuất với 200 HTX, 800 Tổ liên kết sản xuất gắn với các DN trong và ngoài tỉnh.
Song song đó, An Giang đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo trục thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo, từ đó tập trung thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, xem DN là đầu tàu thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Chúng tôi xác định, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phải đổi mới cơ chế, chính sách để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nông dân và đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển phương thức đối tác công - tư; tạo điều kiện để tăng quy mô sản xuất và hiệu quả kinh tế; đảm bảo thu nhập từ nông nghiệp có thể giúp nông hộ trang trải cuộc sống và có tích lũy; từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp.
* Chuyên gia chính sách nông nghiệp - TS ĐẶNG KIM SƠN: Đi lên bằng nội lực
Tôi tin rằng, trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn đóng vai trò lớn là lợi thế quốc gia, trụ đỡ cho nền kinh tế những lúc khó khăn. Quan trọng là chúng ta phải tháo gỡ vấn đề đã kéo dài nhiều năm nay, đầu tiên là tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Tôi thấy, không chỉ có nông dân manh mún mà thương nhân manh mún, DN cũng manh mún. Trong bối cảnh như thế, câu hỏi đặt ra, chúng ta nên dùng nội lực hay ngoại lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam? Trên thế giới, chưa thấy một quốc gia nào có thể dùng nguồn lực của khu vực công nghiệp, đô thị, xuất khẩu, FDI… để nuôi nông nghiệp, nông thôn cả. Cách làm tốt nhất vẫn là phải tạo ra nội lực, giúp sức cho người dân ở nông thôn vươn lên.
* Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời NGUYỄN DUY THUẬN: Tạo hành lang pháp lý để các bên không “bẻ kèo”
Lộc Trời là đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp, do đó việc cân bằng lợi ích giữa người sản xuất với người tiêu thụ là quan trọng nhất. Chúng tôi được cả hai chủ thể này tin tưởng tổ chức sản xuất đúng số lượng, đạt chất lượng, đúng thời gian giao hàng để chuỗi cung ứng nông sản được liên tục và hiệu quả. Từ đó, tất cả các bên tham gia đều được hưởng lợi. Trong toàn chuỗi, Lộc Trời là đơn vị đảm bảo chất lượng và quy trình, các chủ thể tham gia sẽ thực hiện công việc trong dây chuyền gồm: sản xuất và cung cấp giống cây trồng; sản xuất và cung cấp vật tư nông nghiệp; sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác; tổ chức đất, vườn phù hợp với từng loại cây theo mùa vụ trong năm; đảm bảo quy trình canh tác theo yêu cầu của người mua; thu xếp tài trợ tài chính cho nông dân; đảm bảo thu tiền trả ngân hàng.
Nhà nước cần hoạch định nguồn vốn dành cho sản xuất nông nghiệp ổn định và không bị ảnh hưởng bởi hạn mức tín dụng như hiện nay. Nguồn gốc xuất phát từ tính ổn định của sản xuất nông nghiệp: diện tích ổn định, năng suất ổn định, số tiền đầu tư ổn định, giá nông sản ổn định, người mua ổn định. Đồng thời, xây dựng HTX có tính cam kết về diện tích sử dụng, hợp đồng canh tác và tiêu thụ nông sản. Hiện nay, một số liên kết có hiện tượng “bẻ kèo”, tính pháp lý của cam kết chưa được tuân thủ.