Chuyển đổi tư duy trong giai đoạn mới ra sao để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo bệ phóng cho những cánh đồng lâu nay “có cánh” mà chưa “bay”, nay có thể “cất cánh” được, mang lại của cải vật chất cho người dân và xã hội. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, Bộ NN-PTNT về vấn đề này.
TS TRẦN CÔNG THẮNG: Chúng ta có thể hiểu “tư duy sản xuất nông nghiệp” là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn “tư duy kinh tế nông nghiệp” là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển đổi tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần. Chuyển đổi tư duy nông nghiệp nghĩa là nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển đổi không cạnh tranh bằng số lượng, bằng khai thác tự nhiên nữa, mà hướng đến cạnh tranh bằng sản xuất ít đi nhưng với chất lượng đảm bảo. Sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép bảo vệ môi trường, một nền nông nghiệp đem lại hiệu quả cao hơn. Còn “tích hợp đa giá trị” là kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho nông sản. Tích hợp đa giá trị là kết nối hài hòa nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn…
Quan trọng nhất với nông dân và doanh nghiệp hiện nay là đầu ra sản phẩm. Làm sao đảm bảo nông dân không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá?
Việc được mùa - mất giá là bởi chính thị trường luôn luôn có sự bất ổn của nó. Để giải quyết vấn đề này một cách tuyệt đối là rất khó, bởi trên thế giới vẫn có thể cục bộ xảy ra việc dư thừa nông sản trong những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những giải pháp để giảm bớt những rủi ro từ thị trường nông sản. Không thể có một tổ chức nào đó chịu trách nhiệm toàn bộ được, mà cần có sự phối hợp của nhiều giải pháp để hạn chế sự bất ổn, sự mất cân đối cung cầu. Giải pháp quan trọng chính là chúng ta phải chuyển đổi tư duy sản xuất, đừng sản xuất những gì mình có mà cần có tư duy kinh tế nông nghiệp, phải sản xuất cái thị trường cần, phải biết tiêu chuẩn thị trường, nhu cầu thị trường, dần dần mình cũng phải biết sản phẩm mình sản xuất ra bán cho ai.
Từ Nghị quyết 26 đã nêu định hướng nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp?
Nghị quyết 26 năm 2008 có đề xuất cần có cơ chế khuyến khích những tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập công ty, vào các dự án đầu tư, kinh doanh khi có đất bị thu hồi. Chủ trương này đã được luật hóa trong Luật Đất đai 2013, Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (sau này là Luật Doanh nghiệp 2020).
Luật Đất đai quy định góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một loại chuyển quyền sử dụng đất (có tính chất tương tự như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất). Theo quy định thì quy đổi vốn góp sẽ phụ thuộc vào quá trình thỏa thuận dân sự giữa người có quyền sử dụng đất muốn góp vốn và pháp nhân đại điện của tổ chức kinh tế. Hiện nay, hình thành hai loại hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất là: Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới (hình thức góp vốn chuyển quyền sử dụng đất); và hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh (hình thức góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất).
Việc người dân bị ép giá có thể là do khó khăn trong tiếp cận với thông tin thị trường đất đai. Quá trình đàm phán với tổ chức kinh tế thì người dân cũng ở thế yếu hơn, dẫn đến việc không thỏa thuận được giá cả sát với thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN: Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm mô hình trồng vải thiều ở huyện Lục Ngan, Bắc Giang Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã xác định chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Tư duy sản xuất nông nghiệp theo đuổi mục tiêu tạo ra sản lượng cao nhất. Trong khi đó, tư duy kinh tế nông nghiệp theo đuổi mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao nhất. Tư duy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng dựa trên “đơn giá trị” (tức sản lượng thuần). Trong khi, tư duy kinh tế nông nghiệp dựa trên “tích hợp đa giá trị”, bao gồm sản lượng, bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại dịch vụ, thương hiệu… Tư duy kinh tế nông nghiệp còn tích hợp các giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa địa phương, kết hợp công nghệ. Đã đến lúc, cần có một cuộc cách mạng về tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, để hướng đến sản xuất quy mô lớn, vượt qua được “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm một cách tự phát. Do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí cao, lợi nhuận thấp, hoặc không có. Để hóa giải vòng luẩn quẩn này, phải hợp tác, phải liên kết. Không thể tiếp tục mạnh ai nấy làm, “đèn nhà ai nhà nấy rạng” nữa. Đã đến lúc người làm nông nghiệp phải hợp tác với nhau để tổ chức lại sản xuất và định hình thị trường. Trong điều kiện ruộng đất manh mún hiện nay, chưa thể tích tụ, tập trung ngay được thì hợp tác, liên kết chính là giải pháp khả dĩ, đỡ gây ra nhiều bất ổn, xáo trộn nhất, mà vẫn bảo đảm hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn. |