“Không dấu chân” trên đồng
Không phải ngẫu nhiên anh Chín Ấm (Nguyễn Thành Giang), Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang, ví von: “Làm nông mặt ruộng không dấu chân”. Bởi vì ở đây gần như đã cơ giới hóa từng khâu làm ruộng, từ gieo sạ, bón phân đến phun thuốc đều do máy móc đảm trách. Qua 6 năm gắn bó với HTX Bình Thành, anh Chín Ấm nói đầy tự tin: “Trước đây nông dân làm nhỏ lẻ, thường bị thương lái ép giá. Giờ có HTX, rồi liên kết với Tập đoàn Lộc Trời trồng lúa, cầm chắc lợi nhuận 40 triệu đồng/ha mỗi năm”. Đến nay, các xã viên đã hình thành 1.000ha đất trồng lúa liên kết với Tập đoàn Lộc Trời.
Theo anh Chín Ấm, doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và ứng thêm 8,6 triệu đồng/ha để nông dân bước vào mùa vụ. Nhờ đó, nông dân cùng với đội ngũ kỹ sư Tập đoàn Lộc Trời tại vùng nguyên liệu chăm sóc lúa đạt năng suất 19 tấn/3 vụ (đông xuân, hè thu và thu đông), cho lợi nhuận 40 triệu đồng/năm. Nếu năng suất lúa cao hơn, nông dân sẽ được hưởng trọn phần chênh lệch. Cái hay là đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn Lộc Trời luôn bám ruộng theo phương châm 3 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân.
Ông Tư Tấn (Cao Văn Tấn, sinh năm 1959, có 35ha ruộng) thừa biết những thăng trầm của việc sản xuất nhỏ lẻ, nên khi HTX Bình Thành ra đời, ông đã góp hơn 30ha đất vào HTX để liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời. “Khi chúng ta làm bài bản, sản xuất gắn với tiêu thụ thì mới nghĩ đến chuyện bền vững”, ông Tư Tấn tâm sự. Năm 2011, vùng Thoại Sơn mới có 1.900ha ruộng lúa liên kết, đến nay cánh đồng liên kết này đã “nở nồi” lên khoảng 24.000ha.
Ngược ra Quảng Bình, tại thôn Tiên Phan (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn), nông dân tâm đắc việc liên kết sản xuất với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh đang mang lại hiệu quả cao từ chân ruộng. Bà Trần Thị Luyện, thôn Tiên Phan, cho biết: Điều vui mừng hơn là lúa ST25 được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giống trước kia, năng suất hơn 70 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn, cho biết, vụ đông xuân năm nay, địa phương phối hợp với Công ty CP Tổng công ty Sông Gianh thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa - gạo hữu cơ ST25 tại thôn Tiên Phan với diện tích 26ha. Mô hình đã tạo được sự liên kết trong cộng đồng cũng như góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, hướng nông dân vào sản xuất tập trung các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Liên kết tạo vùng nguyên liệu
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã đổ tiền đầu tư vào nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên, thuê đất để sản xuất hoặc liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu. Điểm chung là các doanh nghiệp này là đều có đầu ra ổn định, sản xuất theo hướng hiện đại, cơ giới hóa. Bước đầu, việc đầu tư này đã mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân.
Giữa cơn mưa nặng hạt những ngày cuối tháng 8-2022, xe chúng tôi chầm chậm lăn bánh qua những con đường đất đỏ nhầy nhụa để tới vườn chuối của Nông trường Ia Phìn tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, nơi được cấp mã số vùng trồng hơn 130ha chuối xuất khẩu. Trên cánh đồng mênh mông, chuối trồng trải dài ở các quả đồi và được tưới bằng công nghệ tưới tự động. Ông Lê Hữu Tín, quản lý Nông trường Ia Phìn, vui mừng cho biết, từ tháng 4 đến nay, đã có 48/130ha chuối cho thu hoạch với tổng sản lượng 2.080 tấn. Hơn 82ha còn lại sẽ dự kiến thu hoạch vào tháng 2-2023. “1ha chuối xuất ra nước ngoài có lợi nhuận gấp 3 lần so với 1ha cà phê. Chúng tôi có đầu ra ổn định nên trồng bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu”, ông Tín cho biết.
Trong khi đó, Chi nhánh Gia Lai - Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (gọi tắt là Doveco Gia Lai, đóng ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” trong việc xuất khẩu trái cây ở Gia Lai. Công ty này đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng hàng ngàn hécta trải qua nhiều huyện. Ông Đinh Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Doveco Gia Lai, cho biết, sản phẩm chính đơn vị xuất khẩu là chanh dây, dứa, xoài, chuối, ngô và các loại rau quả nhiệt đới. Diện tích chanh dây, dứa, bắp, công ty liên kết với nông dân là khoảng 7.300ha. Việc liên kết này theo hình thức cộng sinh: đất của dân, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Công ty luôn mua theo giá thị trường, trong đó quy định giá sàn và mức giá này phải đảm bảo người dân có lời. Vì nông dân có lời cao, nên họ luôn toàn tâm toàn ý sản xuất cho nhà máy. Cách này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân cùng thắng lợi trong sản xuất. Sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất là đầu ra.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết, ngoài Doveco Gia Lai, còn có Công ty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp đã liên kết với 7 HTX phát triển trên 20.000ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị cho cà phê; Công ty Ô Lam liên kết sản xuất 850ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp giá bán tăng 3-4 lần so với giá trên thị trường…
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng, liên kết bao tiêu nông sản có lợi nhuận cho nông dân là hướng đi hiệu quả, được minh chứng qua hoạt động của Tập đoàn Lộc Trời. Trong toàn chuỗi này, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức đất, vườn phù hợp với từng loại cây theo từng mùa vụ trong năm, đảm bảo quy trình canh tác theo yêu cầu của người mua, thu xếp tài trợ tài chính cho nông dân, đảm bảo thu tiền trả ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, để hợp tác với nông dân hình thành các chuỗi sản xuất, Chính phủ cần quy hoạch vùng trồng dài hạn, cụ thể cho từng loại cây, đây là cơ sở để hình thành việc tổ chức sản xuất lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó tăng thu nhập cho nông dân một cách ổn định, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng nông sản dài hạn cho thị trường.
* Nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT: Nông nghiệp rất quan trọng trong nhiều năm tới
Chúng ta cần phải tiếp tục làm rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong tiến trình trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoảng 10-20 năm tới, tỷ lệ nông dân và cư dân ở nông thôn sẽ giảm xuống dưới 50%, nông nghiệp sẽ chỉ chiếm dưới 10% GDP, những nơi như Hà Nội, TPHCM bây giờ nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1%-2% GDP. Mặc dù tỷ trọng chiếm ít như vậy, nhưng nông nghiệp sẽ rất quan trọng trong nhiều năm tới và sẽ quan trọng theo cách khác, tính chất của nó cũng sẽ khác. Trong giai đoạn mới, không cần nói “bỏ rơi”, chỉ cần “không quan tâm đúng mức” là nông nghiệp của chúng ta sẽ tụt hậu ngay.
Hiện An Giang đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn đối với một số sản phẩm chủ lực gắn với nhà đầu tư làm đầu tàu thúc đẩy từng cụm ngành phát triển. Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cần tập trung hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX cả chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. |