LTS: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về đất đai và nông nghiệp, nông thôn vừa qua, một lần nữa nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu nông sản ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%. |
Mỗi lần đốn, chặt chuyển đổi cây trồng là một lần thất bại nặng của nông dân. Bao công sức, tiền của đổ vào đó nhưng vì những lý do khác nhau, họ phải đốn hạ. “Mất nhiều thời gian để trồng, nhưng thu hoạch chưa được bao nhiêu, dịch chổi rồng bùng phát, quét qua khu vườn nhãn da bò. Thất mùa kéo dài, gia đình tui phải đốn hạ toàn bộ”, ông Trần Hoàng Vui ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, hiện toàn xã có trên 909ha vườn cây ăn trái, nhưng không còn trồng nhãn da bò. Cơn lốc dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn da bò một lần nữa làm hàng ngàn nhà vườn rơi vào cảnh lao đao, nợ nần chồng chất. Không chỉ nhãn da bò, nhiều nhà vườn trồng thanh long, sầu riêng, mít Thái, bưởi Năm Roi… cũng lâm cảnh tương tự. Đáng buồn hơn là nhiều nông dân xưa nay sống nhờ cây lúa hạt gạo ở ĐBSCL nhưng cũng đành bỏ nghề nông, cho thuê đất với giá bình quân khoảng 6 triệu đồng/công (1.000m2)/năm. Đây là hồi chuông đáng báo động ở nông thôn ĐBSCL.
Chúng tôi ngược lên Tây Nguyên, nơi được biết đến là vùng cây nguyên liệu lớn cả nước như hồ tiêu, cà phê…, nhưng thực tế hiện nay không ít nông dân cứ loay hoay trong vòng xoáy chặt trồng - trồng chặt. Nhiều tháng nay, anh Phạm Trí Độ (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) bỏ không 3.500m2 chuối của gia đình để đi làm công nhân. Trước đây, anh Độ trồng cà phê, nhưng năm 2019 cà phê rớt giá nên chặt bỏ, chuyển qua trồng chanh dây. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch chanh dây lại mất giá. Năm 2021, thấy bạn bè trồng chuối Nam Mỹ, anh nhanh nhảu làm theo, nhưng khi cây cho trái chẳng ai mua.
Huyện Chư Sê, Chư Pưh từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai, hồ tiêu là cây đổi đời của người dân. Nhưng đó là quá khứ, bây giờ rất nhiều hộ đang khốn khổ với loại cây này. Những vườn tiêu xanh mướt dọc quốc lộ 14 qua 2 huyện này, mà 7 năm trước chúng tôi từng xuýt xoa, thì nay đã chết rụi, đất thành đồi trọc, trụ tiêu chờ thương lái đến mua làm củi… Trong số các hộ thất bại với cây tiêu thì hộ ông Đặng Ngọc Khả, ở thị trấn Chư Sê, bị nặng nhất. Trước năm 2015, khu đất gần một mẫu của ông là vườn cà phê, do thấy dân “hốt bạc” nhờ tiêu nên ông chặt cà phê trồng tiêu. Năm 2020, khi tiêu bắt đầu thu hoạch được thì bỗng dưng chết ngã rạ, giá lại rớt thê thảm nên ông trắng tay. Túng quẫn, ông phá vườn tiêu trồng mướp và tiếp tục thất bại. Cách đây mấy tháng, thấy chanh dây có giá, ông trồng chanh dây.
Từ trung tâm TP Hải Phòng xuôi về biển khoảng 40km, nhóm PV Báo SGGP đến thăm cánh đồng 40ha đang trồng lúa của nông dân Trần Mạnh Hùng (40 tuổi) ở xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo. Cách đây 8 năm, anh Hùng thuê 40ha đất để nuôi mộng làm giàu bằng nông nghiệp. Tuy nhiên vốn liếng liên tục “đội nón” ra đi, vì trồng cây gì cũng lỗ, cũng chặt bỏ. Đầu tiên, anh trồng ớt, ớt rớt giá, anh bỏ ra hơn 1 tỷ nhưng thu về chỉ 600 triệu đồng. Anh “cay lòng” chặt ớt trồng măng tây. Sau hai năm cũng thua lỗ thêm 100 triệu đồng, anh lại bỏ măng tây, trồng tỏi, nhưng 40ha tỏi không bán được, giá rớt dưới giá thành. Tiếp tục nhổ tỏi, anh Hùng vay mượn thêm vốn của bạn bè, người thân, bán tài sản chuyển sang trồng lúa A Sào và BC15. Tuy bước đầu có lãi, nhưng theo anh Hùng, rủi ro vẫn rình rập. Theo anh Hùng, mục tiêu đến năm 2030, thu nhập nông dân gần 10 triệu đồng/tháng như yêu cầu của Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ trở thành hiện thực nếu nông dân thoát cảnh trồng - chặt.
Giàu nhờ dùng phân hữu cơ
Bên cạnh các nông hộ thua lỗ thì nhiều nông dân nhờ biết áp dụng kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu nông sản nên làm ăn có lãi. Vườn tiêu 10.000 trụ của gia đình chị Dương Thị Tâm (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) xanh tốt, hạt chi chít nhờ dùng phân hữu cơ và trồng trên trụ cây sống. “Cây tiêu cho thu nhập luôn ổn định từ 700 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/vụ”, chị Tâm nói.
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là vùng mía nguyên liệu lớn nhất miền Tây - gần 10.000ha. Qua bao thăng trầm với nhiều vụ mía “đắng”, nhiều nông dân đã đổi hơn 6.000ha đất trồng các loại cây khác. Năm 2018, Công ty West Food triển khai mô hình trồng thử nghiệm khóm MD2 theo hình thức đầu tư và bao tiêu, ông Nguyễn Văn Sỹ ở xã Phương Bình tham gia với diện tích 1ha. Ông Sỹ tâm sự: “Khi liên kết với công ty trồng khóm MD2, đầu ra được đảm bảo, nông dân không lo giá lên, giá xuống mà chỉ tập trung sản xuất. Hy vọng doanh nghiệp sẽ đồng hành lâu dài và giữ chính sách thu mua khóm hài hòa với lợi ích nông dân”. Theo Bí thư huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Vui, mô hình trồng khóm MD2 gắn với doanh nghiệp bao tiêu đang cho hiệu quả rất cao nên huyện đã chọn giống cây này để phát triển lâu dài.
Lâu nay, người nông dân “khởi nghiệp” ít khi gặp thuận lợi, nhưng với anh Trần Văn Tuấn (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) thì khác. Anh Tuấn có 30ha đất rừng, mỗi khu trồng mỗi loại cây, từ đó nhiều năm qua cho thu nhập ổn định. “Nếu ai cũng quy hoạch được mảnh vườn của mình, chắc chắn đất đai không phụ lòng người”, anh Tuấn chia sẻ.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG:
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường Một vấn đề rất quan trọng nữa là xem lại chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Lâu nay, chúng ta chủ yếu triển khai ở mảng bảo hiểm an sinh trong nông nghiệp, bây giờ cần phải thay đổi quan điểm, phải có bảo hiểm đúng nghĩa cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu. |
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp LÊ QUỐC ĐIỀN:
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền Đồng Tháp có 190.000ha đất trồng lúa, phần lớn đã phân ô sản xuất. Nhưng qua điều tra cho thấy, nông dân phải có trên 2ha đất trồng lúa mới thuộc hạng khá. Hiện nay, trung bình nông dân trồng lúa chỉ có 0,5ha/hộ, phần lớn sản xuất chỉ đủ ăn. |