Dần vắng bóng trên sân khấu, tưởng rằng những nghệ sĩ này sẽ trở về đoàn viên yên ấm cùng gia đình, nhưng cuối cùng, đời lại run rủi cho họ sống những ngày tháng còn lại tại viện dưỡng lão, bên những đồng nghiệp năm nào…
Khoảng trống sau màn nhung
Một ngày tiết trời đương độ xuân, chúng tôi tìm đến Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (314/65 Âu Dương Lân, phường 3 quận 8, TPHCM) - mái ấm của hơn 20 nghệ sĩ gạo cội làng sân khấu phía Nam. Trò chuyện với những nghệ sĩ vang bóng một thời, chúng tôi thấm thía cảnh đời sau ánh hào quang, không nói quá khi bảo rằng còn hơn cả những bi kịch chỉ có trên sân khấu.
Là một gương mặt quen thuộc với nụ cười luôn nở trên môi và nét mặt phúc hậu, được công chúng yêu mến qua nhiều bộ phim truyền hình, nghệ sĩ Thiên Kim (tên thật là Đoàn Thiên Kim) khi hoàng hôn đổ bóng cuộc đời lại làm bạn với sự cô độc.
Nhiều năm sau, kể từ ngày mới bước chân vào nghề, trong vở diễn đầu tiên của gánh hát Kim Thoa, không ai ngờ vở diễn dã sử Lấp sông Gianh khi đó lại trở thành một vở diễn tang thương của làng sân khấu cải lương.
Đó là vào đêm 19-12-1955 khi các nghệ sĩ diễn vở này tại rạp Nguyễn Văn Hảo, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã sử dụng vũ khí để sát hại nghệ sĩ và khán giả lúc bấy giờ. “Tôi còn nhớ bữa ấy khách đến xem đông chưa từng thấy, rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp cải lương lớn nhất thời ấy vẫn không đủ sức chứa. Mọi thứ diễn ra bình thường cho tới chừng 22 giờ, sân khấu đang tắt đèn để thay đổi cảnh thì một tiếng nổ vang lên. Một trái lựu đạn từ trên lầu ném xuống. Sân khấu đổ nát. Cảnh tượng sau đó thảm thương lắm”, bà nhớ lại.
Chỉ vào chân mình, bà kể: “Những mảnh đạn bây giờ vẫn còn ghim nhiều trong chân và trong người nhưng may mắn là tôi vẫn sống. Đau đớn nhất lúc bấy giờ là có những người đã nằm xuống mãi mãi”. Cũng kể từ đó, sự nghiệp cải lương của nghệ sĩ Thiên Kim chấm hết. Bà chuyển sang tân nhạc và lồng tiếng phim vào năm 1995. Cả cuộc đời bà cho tới tận bây giờ là chuỗi ngày phải gồng lên làm việc, yêu nghề cũng chỉ là một phần, phần còn lại bởi bà là nơi nương tựa của mẹ già, 5 người con và 5 đứa cháu.
“Một người mẹ có thể nuôi 10 đứa con nhưng 10 đứa con chưa chắc nuôi nổi mẹ mình, giờ tôi vào viện còn đúng thằng út là cách ngày vào thăm nom một lần. Ngày ấy, có lúc con bảo, mẹ lúc nào cũng sang trọng, đóng vai bà hoàng bà chúa trên sân khấu. Nhưng ai thấu sau lớp màn nhung là một Thiên Kim chẳng có gì. Con ốm không có tiền mua thuốc, rồi thằng út là tôi thương nó nhất vì nó thông minh, cái gì nó cũng làm được hết trơn, vì nghèo không có tiền cho ăn học mà bỏ phí cả một tài năng. Giờ nó cũng 50 tuổi rồi, vẫn tự mua sách về học những thứ nó thích. Cảnh ấy tủi thân lắm”, bà nhắm mắt, có lẽ đang muốn giấu đi những giọt nước mắt cho chính cuộc đời của mình.
Rồi về chuyện làm nghề, cũng như bao nghệ sĩ khác, khi các đoàn hát trở nên lay lắt thì nghệ sĩ Thiên Kim chuyển hướng tìm kế sinh nhai khác. Bà bắt đầu chuyển sang đóng phim và đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với Huyền Trân công chúa hay Quán gấm đầu làng…
Bà nói: “Cho tới giờ vẫn có những đoàn phim tới mời tôi, nhưng tôi cũng phải lần lữa từ chối, vì sức khỏe, bữa nào sức khỏe tốt thì đi diễn ban ngày, tối lại về viện. Dù là vai phụ, thu nhập không đáng kể nhưng tôi vẫn đi. Tiền họ trả, tôi để dành giúp mấy đứa con, chúng nó đều là công nhân, cũng vất vả lắm”.
Nói tới đây cũng vừa hay tới giờ ăn trưa, nghệ sĩ Thiên Kim mời chúng tôi lên thăm phòng của bà, đó là một căn phòng nhỏ trên gác của viện dưỡng lão. Những bước chân của người nghệ sĩ năm nay 87 tuổi trở nên nặng nề hơn trước những bậc cầu thang cũ kỹ.
Ở viện, mỗi ngày đến bữa, các nghệ sĩ sẽ được phát cơm, tổng là 25.000 đồng cho 2 bữa cơm trong ngày. Một chút cơm, một chút bắp cải luộc và vài miếng thịt kho, người bạn thân thiết ở đây của nghệ sĩ Thiên Kim là nghệ sĩ Ngọc Đáng san sẻ với nhau thêm một chút sữa do những nhà hảo tâm tặng để bữa trưa bớt khô khan hơn.
“Ai cũng buồn, chỉ là không nói”
Không chỉ có nghệ sĩ Thiên Kim, tại đây, mỗi một mảnh đời lại là một câu chuyện, một số phận khác nhau. Mỗi mảnh ghép dang dở ấy bao nhiêu năm nay đã cùng nhau ghép lại ở ngôi nhà này.
Rồi cũng có những khoảnh khắc vui buồn bất chợt. Người này được con vô thăm nhiều hơn, người kia lại buồn tủi. Rồi ai trên lầu đi xuống còn khỏe, còn lẹ, ca còn có chút hơi thì cũng hãnh diện đôi chút với những người khác. Niềm vui tuổi già chỉ từng đó, nhưng vắng ai là buồn hiu hắt.
Giữa trưa, nghệ sĩ Lệ Thẩm (85 tuổi) không ngủ được, đi ra đi vào, hết dọn mấy chiếc ly trên bàn rồi lại đi dọn dẹp mấy đống rác nhỏ mà đoàn từ thiện khi sáng bỏ lại.
“Có tuổi rồi nên ở đây ít ai ngủ trưa lắm, nhưng cứ đến 7 giờ tối mọi người tắt đèn lên giường hết. Tôi may mắn được bầu làm ban quản lý nên đi ra đi vào dễ, không ngủ được thì đi loanh quanh xem có việc gì làm cho đỡ buồn”, nghệ sĩ Lệ Thẩm nói từ tốn.
Nghệ sĩ Lệ Thẩm vào viện dưỡng lão này từ năm 1998, thuộc dạng “lão làng”. Cô đào Lệ Thẩm ngày nào vẫn còn giữ nguyên nét đôn hậu, đi đứng khoan thai, cử chỉ, nói năng nhẹ nhàng, nhưng mấy ai biết hiện tại mắt bên trái của bà đã hỏng hẳn, mắt phải vẫn nhìn thấy nhưng cũng mờ và có sương.
“Ai ở đây cũng có một vài thứ bệnh, ai cũng buồn, chỉ là không nói. Nhưng vẫn còn vui hơn ở ngoài, vì còn có anh chị em nhìn thấy nhau mà nương tựa”, nghệ sĩ Lệ Thẩm cho hay.
Nghệ sĩ Lệ Thẩm trải lòng cùng chúng tôi về những năm tháng “ăn cũng ca, ngủ cũng ca” với cải lương. Tuổi ấu thơ và hoa niên của bà gắn liền với ngày tháng đi diễn cùng cha mẹ. Đúng chất con nhà nòi lại được trời phú cho chất giọng tốt, ngay từ khi lên 6, bà đã được diễn trên sân khấu.
Dù không được học hành nên không biết nhiều mặt chữ, nhưng bằng trí nhớ vượt trội, chỉ cần nghe người lớn ca, cô bé Lệ Thẩm năm ấy đã có thể ghi nhớ ngay và diễn một cách xuất thần nên tên tuổi Lệ Thẩm mau chóng trở thành một hiện tượng trong làng cải lương.
Nhiều năm sau bà chuyển qua đi hát cho đoàn Tiếng Chuông và cũng chính tại đây, bà gặp kép Tuấn Sĩ rồi nên duyên vợ chồng. Chục năm sau vợ chồng bà thành lập đoàn hát Nhụy Hương.
Suốt 15 năm Nhụy Hương tồn tại cũng là 15 năm vợ chồng bà cật lực cống hiến cho nghề, vật lộn kiếm tiền để nuôi đoàn, vậy nhưng vất vả nay đây mai đó, để rồi cuối cùng đời bà… nghèo vẫn hoàn nghèo.
Sau khi chồng mất, bà quyết định về sống trong viện dưỡng lão bởi bà có một người con gái nhưng cô cũng trầy trật, vất vả không hơn gì bà, sợ làm gánh nặng cho con nên bà đến đây.
Không chỉ có nghệ sĩ Lệ Thẩm, nghệ sĩ Thiên Kim hay nghệ sĩ Ngọc Đáng, 18 người nghệ sĩ còn lại đang sống trong nhà dưỡng lão này đều có điểm chung là gia cảnh nghèo, không nhờ cậy được con cái, nguồn sống duy nhất của họ là ngày 2 bữa ăn được viện cấp, người còn sức khỏe thì còn nhận những vai diễn nhỏ, chắt chiu những đồng thù lao ít ỏi gửi về cho con cái, người không còn sức chỉ sống ngày tháng leo lắt ở viện.
“Bữa nào tôi mệt thì bà ấy lấy cơm cho tôi, bữa nào bà ấy mệt thì tôi lại đi lấy cho bà ấy, ở đây tôi và bà ấy làm gì cũng có nhau, già rồi thì đành nương vào nhau thôi”, nghệ sĩ Thiên Kim cười nói về người bạn Ngọc Đáng của mình. Ở đây, không nương tựa vào nhau thì những nghệ sĩ lớn tuổi ấy biết dựa vào ai để sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời…