Mùa giải… vui đều
Giải thưởng Cánh diều vàng 2023 đã khép lại với chiến thắng lớn dành cho Tro tàn rực rỡ (hạng mục Phim truyện điện ảnh), Mẹ rơm (Phim truyền hình). Kết quả giải thưởng năm nay không khó đoán và làm hài lòng số đông. Nó cũng phản ánh đúng bức tranh điện ảnh Việt hiện nay bởi những tác phẩm, cá nhân được vinh danh có phần “nhỉnh” hơn so với mặt bằng chung. Hiển nhiên vẫn còn những ý kiến trái chiều ở một số hạng mục, nhưng không đến mức gay gắt như một số mùa giải trước đây.
Một trong những điểm đáng tiếc, vì thời lượng có hạn, lại dành khá nhiều thời gian cho các tiết mục văn nghệ, các phần mang tính thủ tục, nên khâu trao giải vốn là điểm nhấn lại diễn ra khá chóng vánh. Chỉ các tác phẩm, cá nhân đoạt giải vàng mới được mời lên sân khấu nhận giải. Vậy nên, sân khấu đêm trao giải chỉ đơn thuần là khách mời lên công bố, gộp và trao đồng thời nhiều hạng mục khác nhau. Có hạng mục 4 khách mời cùng lên công bố, vì không phối hợp ăn ý nên có phần… rối rắm. Bên cạnh đó, không ít khán giả thắc mắc, các hạng mục Nam/Nữ chính xuất sắc cả phim điện ảnh và truyền hình, mỗi đề cử được công bố trên sân khấu chỉ gồm 2 cái tên và người thắng cuộc trở nên dễ đoán.
Trên sân khấu Cánh diều vàng năm nay, các nhà làm phim ít có cơ hội chia sẻ cảm xúc (trừ diễn viên Thu Trang và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên). Lẽ ra, với những dịp quy tụ đông đảo nhà làm phim trên cả nước như tại giải Cánh diều vàng, nên có thêm những diễn đàn, hội thảo để nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn các vấn đề đang tồn tại của điện ảnh Việt. Nó cũng là cơ hội để các nhà làm phim có thêm cơ hội chia sẻ, trao đổi các dự án, tăng tính tương tác và kết nối; đồng thời là cách khuyến khích các thế hệ làm phim có thêm động lực.
Đổi mới để nâng tầm
So với những lần trước đây, giải Cánh diều vàng 2023 được tổ chức trong thời gian khá dài, từ ngày 6 đến 9-9 với nhiều hoạt động bên lề vừa nhằm tôn vinh những người làm điện ảnh, vừa kết hợp quảng bá, kết nối du lịch - điện ảnh. Ban tổ chức, gồm cả UBND tỉnh Khánh Hòa và Hội Điện ảnh Việt Nam, cũng không giấu tham vọng muốn giải thưởng sẽ là festival điện ảnh - du lịch thương hiệu quốc gia, hướng đến tầm quốc tế. PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Hội Điện ảnh nói chung và các nghệ sĩ, diễn viên sẽ nỗ lực hết mình để cùng với Khánh Hòa chung tay cho mục tiêu xây dựng Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam”.
Mô hình xã hội hóa cũng phát huy hiệu quả qua kỳ tổ chức lần này. Nếu như ở nhiều mùa giải trước đây, do kinh phí được cấp khá hạn hẹp khiến việc tổ chức chỉ gói ghém trong lễ trao giải nhỏ gọn, ấm cúng, thì lần này, các hoạt động mở rộng cả về quy mô, hình thức khi có sự trợ lực, tạo điều kiện của UBND tỉnh Khánh Hòa, sự chung sức của hàng chục đơn vị, doanh nghiệp tài trợ. Đây được xem là tín hiệu tích cực, bởi ai cũng hiểu muốn tổ chức giải thưởng quy mô, chuyên nghiệp thì bài toán kinh phí luôn là thách thức. Ở phương diện này, “diều” đã được “tiếp gió” và hy vọng sẽ được duy trì ở các mùa trao giải tiếp theo. Năm nay, một trong những điểm nhấn đáng chú ý là Bức tường danh vọng - công trình ghi nhận, vinh danh những cá nhân, tập thể xuất sắc và có đóng góp cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 trong suốt lịch sử 20 năm giải Cánh diều vàng.
Tạm khép lại một mùa trao giải, nhưng để “diều được bay cao” cần nhiều yếu tố góp phần, như: số lượng và chất lượng các bộ phim tham gia; tiêu chí đánh giá và trao giải công bằng, minh bạch; công tác tổ chức chuyên nghiệp, bài bản… Không chỉ tại Cánh diều vàng mà với các giải thưởng, liên hoan phim tại Việt Nam sắp tới, ngoài việc tổ chức các hoạt động đa dạng theo bề nổi, cần tăng tính quốc tế hóa, sự tương tác, kết nối giữa khán giả với nhà làm phim, giữa nhà làm phim với nhau, với các nhà đầu tư… Các nhà làm phim, đặc biệt nhà làm phim trẻ, cần có sân chơi và được khuyến khích, tạo điều kiện để sáng tạo nhiều hơn nữa. Hiện nay, với lợi thế phát triển của mạng xã hội, công tác quảng bá cũng cần đẩy mạnh, đa dạng, đa chiều, kể cả hậu giải thưởng, để tạo sức hút, duy trì sức nóng và sự quan tâm của công chúng...