Bất ngờ
Kết quả ở thể loại Phim truyện điện ảnh tạo ra những tranh luận trái chiều. Việc Hạnh phúc của mẹ thắng lớn với 7 giải thưởng ở hầu hết các hạng mục quan trọng: Cánh diều vàng, Đạo diễn xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Biên kịch xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc và Diễn viên triển vọng được xem là bất ngờ lớn. Đây được xem là kỷ lục trong lịch sử giải thưởng Cánh diều.
Phim thất bại trong cuộc đua phòng vé, một phần vì những lùm xùm của 2 diễn viên chính Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn. Dù sở hữu một câu chuyện cảm động, nhưng đáng tiếc, bộ phim có mô-típ không mới.
Chiến thắng gần như tuyệt đối của Hạnh phúc của mẹ khiến các bộ phim được đánh giá cao: Hai Phượng, Mắt biếc… ngậm ngùi ra về với các giải thưởng phụ.
Hai Phượng nhận đồng giải Cánh diều bạc với Truyền thuyết về Quán Tiên, đồng thời có thêm giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc.
Đáng tiếc nhất là Mắt biếc chỉ nhận đồng giải Âm thanh xuất sắc cùng Hạnh phúc của mẹ.
Đánh giá về Hai Phượng, chính đạo diễn Thanh Vân nhận định, đây là phim được làm “chuyên nghiệp nhất” ở tất cả các khâu, thực hiện công phu, thông điệp rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phim hướng đến thị trường, để tạo sức hút lớn với người xem nên khai thác phần hành động dài khiến bộ phim mất cân đối.
Trong khi đó, Anh trai yêu quái có giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kiều Minh Tuấn (cùng với vai diễn trong Nắng 3) và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Isaac.
Ở hạng mục cá nhân, việc Oanh Kiều (phim Nắng 3) nhận giải triển vọng cũng không mấy thuyết phục khi cô đã là gương mặt quen thuộc từ nhiều năm nay nhưng chưa để lại dấu ấn.
Nếu lĩnh vực Phim truyện điện ảnh chưa hoàn toàn thuyết phục thì ở lĩnh vực Phim truyền hình, chiến thắng của các bộ phim, cá nhân, đặc biệt là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam lại hầu hết nhận được hầu hết sự đồng thuận cao.
Mập mờ
Từng là giải thưởng hội nghề nghiệp uy tín, nhưng những năm gần đây, công tác tổ chức lễ trao giải, chấm giải… của Cánh diều vấp phải những ý kiến trái chiều khiến nó không duy trì được vị thế vốn có. Năm 2019, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam, đơn vị tổ chức lễ trao giải này, từng đặt vấn đề: Nếu quá khó khăn, không loại trừ ở các mùa giải tiếp theo, lễ trao giải Cánh diều sẽ không được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình.
Lễ trao giải năm nay, dù bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, nhưng tiếp tục đặt ra câu hỏi, có nên chăng chỉ cần tổ chức các buổi trao giải ở quy mô nhỏ, nội bộ. Điều này xem ra cũng hợp lý bởi câu chuyện kinh phí thực hiện, xin tài trợ của ban tổ chức luôn là vấn đề nhức nhối suốt những năm qua.
Lễ trao giải Cánh diều 2018 từng gặp chuyện dở khóc dở cười khi gần giờ chót, ban tổ chức không nhận được số tiền như lời hứa trước đó của một đơn vị tài trợ.
Bên cạnh chuyện tổ chức như thế nào, tiêu chí chấm giải Cánh diều những năm gần đây, nhất là hạng mục Phim truyện điện ảnh luôn mang đến cảm giác… chênh vênh.
Theo đạo diễn Thanh Vân, các phim có yếu tố nước ngoài: phim làm lại, dựa trên kịch bản nước ngoài, có thành phần trong ê kíp là người nước ngoài… sẽ khó có giải cao, vì đó là tiêu chí của giải thưởng Cánh diều.
Như vậy, có hay chăng sự mâu thuẫn khi từ mùa giải 2018, ban tổ chức đã áp dụng xét giải Cánh diều vàng (phim hay nhất) cho các phim remake (phim làm lại) hoặc được chuyển thể từ tác phẩm văn học nước ngoài ở cả hai thể loại điện ảnh và truyền hình?
Năm 2018, chiến thắng của Chàng vợ của em trước Song Lang đã từng vấp phải những ý kiến trái chiều. Có phải vì năm đầu áp dụng “luật chơi” mới nên có sự “rộng tay” nhất định của ban giám khảo cho một tác phẩm chuyển thể từ văn học nước ngoài.
Trong khi trước đó, hầu hết giới chuyên môn, gồm cả các nhà làm phim kỳ cựu trong hội thảo trước lễ trao giải đã hết lời ca ngợi Song Lang, một tác phẩm không chỉ giàu tính thẩm mỹ mà còn dung hòa được 2 yếu tố giải trí - nghệ thuật.
Năm nay, những Hai Phượng, Mắt biếc… có thể chưa chạm đến cảm xúc của ban giám khảo để giành Cánh diều vàng, nhưng rõ ràng với tay nghề, kỹ thuật làm phim vượt trội, lại “rơi vàng” khó hiểu trong các hạng mục còn lại. Phải chăng, thành phần ban giám khảo mỗi năm khác nhau nên tiêu chí xét giải không thống nhất?
Rất cần có một tiêu chí chấm giải rõ ràng, minh bạch và hợp thời. Với tiêu chí và cách thức chấm giải như hiện nay, chính ban tổ chức, giám khảo giải Cánh diều đang đặt mình vào thế “tiền hậu bất nhất”. Người được tôn vinh chưa chắc vui trọn vẹn và các nhà làm phim tư nhân sẽ càng bớt mặn mà với giải thưởng một thời từng được xưng tụng là “Oscar của Việt Nam”.