Dù mít Thái cho lợi nhuận cao, nhưng cần thấy rằng cây mít chưa được các tỉnh xác định là cây ăn quả chủ lực, do đó việc đầu tư, hỗ trợ sản xuất chưa có, phần lớn nông dân trồng tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.
Qua khảo sát của Cục Trồng trọt cho thấy, việc chuyển đổi sang trồng mít rải rác trên nhiều địa phương, không theo vùng trồng tập trung, diện tích lớn, sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, ngập úng, thiệt hại do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện.
Tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại diễn biến phức tạp như ruồi đục trái, sâu đục thân, bệnh thối trái, xơ đen, nấm hồng; nhu cầu trồng lớn trong khi nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lý chất lượng nguồn gốc cây giống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tiêu thụ mít Thái chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc nên dễ rủi ro khi thị trường biến động…
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL lo lắng, giá mít Thái luôn biến động, khi thì tăng rất cao nhưng cũng có lúc giảm thê thảm xuống mức chỉ vài ngàn đồng/kg. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cẩn trọng việc phá bỏ đất lúa, đất mía và một số cây khác… ào ạt chuyển sang trồng mít Thái.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 17-7, ông Trần Hồng Đức, Phó Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: “Từ đầu năm đến nay nông dân trong huyện trồng mới khoảng 500ha mít Thái, nâng tổng diện tích mít Thái lên gần 3.000 ha; thuộc dạng cao nhất ở Hậu Giang. Hiện nay, thương lái thu mua mít Thái loại 1 giá khoảng 30.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 15.000 đồng/kg… Song, giá cả thường thay đổi không ổn định lâu, bởi phần lớn phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chính điều này nên ngành chức năng băn khoăn và khuyến cáo nông dân không vội vàng tăng diện tích quá nhanh…”.