Cảnh báo về xu hướng dịch chuyển nhân lực ngành y

Theo cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, tình trạng thiếu nhân lực của ngành y tế trên toàn thế giới sau thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành đang làm bùng nổ xu hướng dịch chuyển việc làm, từ nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn.
Sự dịch chuyển nhân lực ngành y ảnh hưởng đến hệ thống y tế nhiều quốc gia
Sự dịch chuyển nhân lực ngành y ảnh hưởng đến hệ thống y tế nhiều quốc gia

Báo cáo năm 2023 của WHO về “Hỗ trợ và bảo vệ nhân lực y tế” cho thấy, khoảng 55 quốc gia hiện xếp hạng dưới mức trung bình toàn cầu về số bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh trên đầu người (49 nhân viên/10.000 dân). Trong khi đó, con số này vào năm 2020, thời ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, là 47 quốc gia. 8 nước được cập nhật trong bảng xếp hạng năm 2023 của WHO gồm: Comoros, Rwanda, Zambia, Zimbabwe, Timor Leste, Lào, Tuvalu và Vanuatu.

Các tác động tiêu cực đến sức khỏe, kinh tế và xã hội của dịch Covid-19, cùng với nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân viên y tế ở các quốc gia có thu nhập cao được xem là nguyên nhân khiến nhân viên y tế ở những nước vốn có lực lượng lao động y tế mỏng di cư ra nước ngoài. Ông Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh: “Nhân viên y tế là trụ cột của mọi hệ thống y tế. Nhưng 55 quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất thế giới lại không có đủ nhân lực và thậm chí còn mất đi nhiều “chất xám” do lao động dịch chuyển ra nước ngoài”.

Theo nghiên cứu của WHO, khoảng 15% nhân viên y tế trên toàn cầu đang làm việc bên ngoài quốc gia nơi họ sinh ra. Có sự khác biệt theo khu vực, với tỷ lệ y tá được đào tạo ở nước ngoài đạt 70%-80% ở một số quốc gia vùng Vịnh giàu có. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10%-12% bác sĩ và y tá được đào tạo ở nước ngoài đến từ các quốc gia được WHO coi là dễ bị tổn thương do thiếu hụt lượng nhân viên y tế bản địa. WHO cho hay, những điểm đến thu hút lao động di cư ngành y tế là các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nước châu Âu cũng đang ngày càng tăng cao.

Mặc dù nghị quyết năm 2010 của WHO không cấm tuyển dụng nhân viên y tế quốc tế, nhưng WHO kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các nước có thu nhập cao, đảm bảo rằng việc tuyển dụng của họ không ảnh hưởng xấu đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia nhân viên y tế di cư. Quan điểm của WHO là không phản đối lao động di cư, song vấn đề này cần quản lý chặt chẽ và mong muốn các quốc gia thành viên tuân thủ nghị quyết về tuyển dụng y tế quốc tế. Ông Jim Campbell, Giám đốc bộ phận lực lượng y tế của WHO, nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp bảo đảm để giúp 55 quốc gia trong danh sách trên tiếp tục xây dựng lại và phục hồi hệ thống y tế sau dịch bệnh mà không để mất thêm nhân lực. Theo ông Campbell, bảo vệ nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp thiết để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Năm 2020, Hội đồng Y tá quốc tế ước tính, toàn cầu sẽ thiếu 6 triệu y tá và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy việc di cư của nhân viên y tế ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Báo cáo của WHO về Tình trạng của nghề điều dưỡng trên thế giới, được xuất bản cùng năm, cho biết, cứ 8 y tá trên toàn cầu thì có 1 người thuộc diện di cư.

Tin cùng chuyên mục