Trong 2 ngày 15 và ngày 16-7, tại TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Viện FES (Đức), Đại học Melboure và Đại học Monash (Australia) tổ chức hội thảo quốc tế: “Thách thức toàn cầu và ứng phó của địa phương: chuyển đổi quan hệ lao động công nghiệp và khung pháp lý tại Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi”.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hội thảo là diễn đàn quy tụ được rất nhiều chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan, tổ chức, các cơ sở giáo dục có uy tín ở trong và ngoài nước.
Mục đích của hội thảo là thảo luận và trao đổi dưới góc độ khoa học những vấn đề mang tính thời sự về sự chuyển đổi của quan hệ lao động trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế. Từ đó, hội thảo góp phần đề xuất các mô hình quan hệ lao động và khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ này tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, toàn cầu hóa diễn ra có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề lao động. Về thị trường lao động và quan hệ lao động trong điều kiện hội nhập ở Việt Nam, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp giảm mạnh, từ 71% trong những năm cuối thập niên 1980 xuống còn 40% vào năm 2016. Gắn với sự chuyển đổi đó là sự mở rộng của khu vực tư nhân, đang cung cấp 46% việc làm, tương ứng với 5 triệu lao động làm công ăn lương ở khu vực này. Hiện nay, lao động khu vực chính thức và phi chính thức cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các mô hình kinh doanh – dịch vụ công nghệ toàn cầu (Grab, Go Viet).
GS.TS Đặng Nguyên Anh chỉ ra khoảng trống trong chính sách hiện nay: “Nếu tổ chức công đoàn Việt Nam không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thì sẽ dẫn đến “dòng chảy” các đoàn viên từ công đoàn Việt Nam sang tổ chức mới của người lao động”.
Theo GS.TS Đặng Nguyên Anh, hội nhập quốc tế và những cam kết về quản lý lao động trong các hiệp định FTAs thế hệ mới đòi hỏi những thay đổi về quan hệ lao động và sự điều chỉnh trong chức năng, vai trò của tổ chức đại diện của người lao động.
Cụ thể, trước hết, cần mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp và khuyến khích lao động quay lại thị trường. Về lâu dài, năng suất lao động phải trở thành một nhân tố quan trọng để tăng mức lương tối thiểu.
Thứ hai, cần xem xét các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo sự độc lập giữa ban lãnh đạo và công đoàn của doanh nghiệp.
Thứ ba, cần sớm hình thành hệ thống hòa giải và trọng tài lao động, cho phép người lao động thành lập tổ chức đại diện cho mình theo sự lựa chọn của họ.
Thứ tư, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động hiện nay cần hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh, phúc lợi và bảo vệ người lao động, theo nguyên tắc lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển.
Về đổi mới quan hệ lao động doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn và Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Quyên (Đại học Thương mại) nhận xét, người sử dụng lao động chưa chú trọng tham khảo ý kiến người lao động khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy định… Rất ít doanh nghiệp diễn ra thương lượng tập thể một cách thực sự.
Hai chuyên gia phân tích, với sự thay đổi của tổ chức đại diện người lao động, người lao động sẽ đứng trước nhiều lựa chọn đối với tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, tổ chức công đoàn Việt Nam đối diện với vấn đề cạnh tranh và thu hút đoàn viên công đoàn mới; người sử dụng lao động cũng phải xây dựng được cơ chế đối thoại, giải quyết tranh chấp với nhiều tổ chức đại diện của người lao động.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nhàn và Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Quyên khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trước những tiêu chuẩn lao động theo các hiệp định có thể đáp ứng được, cùng với đó là lộ trình cải thiện các tiêu chuẩn và điều kiện lao động trong chính doanh nghiệp mình.
Việc đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp cần thực chất; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật tại nơi làm việc; hạn chế các vụ đình công bằng cách tôn trọng quyền và nhân phẩm của người lao động…