Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 13-8, áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã phát triển mạnh lên thành cơn bão có tên quốc tế là Bebinca - cơn bão thứ 4 trên biển Đông trong năm nay.
Vào 16 giờ ngày 13-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ vĩ Bắc - 113,3 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là cấp 8, giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km tính từ tâm bão.
Trước mắt, bão vẫn di chuyển chậm theo hướng Đông, có khả năng đổi hướng dịch chuyển về phía Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến chiều 14-8, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 8 - 9, giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Bắc khu vực Bắc biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến chiều 15-8, tâm bão nằm trên vùng biển bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) với sức gió cấp 9, giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Khoảng chiều 16-8, tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão. Từ đêm 14-8 đến ngày 15-8 ở Bắc bộ có mưa rải rác, từ đêm 15-8 đến ngày 17-8 ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250 - 350mm/đợt). Các đài dự báo bão quốc tế cũng đã cảnh báo về cơn bão Bebinca, đồng thời đưa ra nhận định bão sẽ ngoặt lại phía Tây, hướng thẳng vào vịnh Bắc bộ.
Trưa 13-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ cùng các bộ, ngành liên quan cảnh báo, diễn biến của bão và tình hình mưa lũ sẽ tiếp tục ảnh hưởng tại những khu vực đã có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất trong gần 2 tháng qua. Ban chỉ đạo yêu cầu, đối với khu vực trên biển, trên đảo và ven bờ, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, hướng dẫn các phương tiện, tàu du lịch biết vị trí của bão để không đi vào khu vực nguy hiểm. Đối với khu vực trên đất liền, cần sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng trũng thấp ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, có nguy cơ bị chia cắt, vùng xảy ra lũ quét, sạt lở đất và hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản… đến nơi an toàn. Cần chủ động tiêu nước đệm, chống ngập úng tại khu vực đô thị và khu vực sản xuất nông nghiệp, nhất là tại Hà Nội. Đồng thời rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp ven biển.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia phải thường xuyên cập nhật cho các đơn vị liên quan, nhất là dự báo định lượng về mưa và dòng chảy cụ thể ở các khu vực lòng hồ Sơn La, Hòa Bình để chỉ đạo điều hành liên hồ chứa.